Cẩn trọng với chiêu trò chính trị hóa các vụ án hình sự
Bài 3: “Chính trị hóa” các vụ án tham nhũng, tiêu cực để làm gì?
Những giọng điệu ấy không nhằm mục đích nào khác ngoài việc xuyên tạc mục đích, hạ thấp giá trị tốt đẹp, giảm ý nghĩa thắng lợi của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, gây phân tâm trong xã hội.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang ngày càng được triển khai tích cực, được tổ chức chặt chẽ, có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, ngày càng hiệu lực, hiệu quả, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các thế lực thù địch, phản động chắc chắn không thích điều đó và vì vậy, những hoạt động và thành tựu to lớn trong cuộc đấu tranh đấu tranh này luôn là tâm điểm của những xuyên tạc, bóp méo và trước, sau gì rồi cũng quy về một số nội dung, cụ thể.
Những thành tựu to lớn trong cuộc đấu tranh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn là tâm điểm của những xuyên tạc, bóp méo
Một là, mượn chuyện tham nhũng để hướng vào chống phá chế độ. Chúng cho rằng “bản thân bộ máy quan liêu đẻ ra tham nhũng”, “tham nhũng là sản phẩm của chế độ XHCN ở Việt Nam”, rằng “do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công”. Một số kẻ lộng ngôn: “trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, tòa án xét xử theo lệnh của Đảng thì không thể chống được tham nhũng, cho nên Việt Nam đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng”. Có những kẻ còn ngông cuồng phán rằng “cái lò này đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đó đi, chứ không phải đốt những kẻ tham nhũng, bởi không bao giờ đốt hết được cả”.
Chúng không biết hay cố tình không biết một thực tế là tham nhũng được sản sinh ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và dù là hình thức nhà nước nào, thể chế chính trị nào thì tham nhũng vẫn sẽ tồn tại. Thực chất của những giọng điệu ấy chỉ là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt, hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Hai là, vin vào chuyện tham nhũng để hướng lái, chĩa mũi nhọn chống phá Đảng. Chúng cho rằng tham nhũng là căn bệnh kinh niên của “chế độ độc đảng cầm quyền”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tham nhũng tất yếu xảy ra..”.; và rồi vòng vo thế nào cái đuôi của chúng cuối cùng cũng lòi ra: “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do đảng đứng trên pháp luật”, vì thế, “phải thực hiện đa đảng để không còn tham nhũng”. Chúng phủ định kết quả to lớn và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta khi lớn tiếng “tuyên bố”: “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”. Tất cả những lời lẽ xuyên tạc đến trơ trẽn ấy mục đích chính vẫn chỉ là để phủ định, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà thôi.
Ba là, mượn chuyện chống tham nhũng để chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng. Chúng trắng trợn xuyên tạc, cho đây là “cuộc chiến của những chiếc ghế”, là “cuộc đấu phe phái” hòng chia rẽ nội bộ ta; có kẻ còn cho rằng “vì chống tham nhũng, nhiều cán bộ đã bị đẩy vào “bi kịch”, “oan nghiệt”. Nhiều trang báo phản động còn triệt để khai thác đời tư của cán bộ, thêu dệt, gán ghép tạo sự tò mò, hiếu kỳ rồi đổ đồng, cào bằng, biến sai phạm phải xử lý của cá nhân một số cán bộ thành bản chất mặc định của cả đội ngũ, cố tình quy chụp, cho đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo”.
Bốn là, xuyên tạc mục đích, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bẻ lái mục đích đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam từ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc thành ý muốn chủ quan của cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người; lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành những chuyện “đấu đá”, “thanh trừng”, “triệt tiêu” với rất nhiều dị bản. Từ những thông tin cóp nhặt trên mạng xã hội, chúng thêm mắt, thêm râu, cắt xén, nhào nặn, tưởng tượng, dựng nên những câu chuyện về các phe nhóm nội bộ, nào là cánh trung ương và cánh địa phương, phe cấp tiến và phe bảo thủ, phái miền Nam và phái miền Bắc... Chúng cho rằng, các biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam là nửa vời, “chỉ làm lấy lệ”, “tắm từ vai trở xuống”, cốt để "đánh bóng tên tuổi”...
Trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt có bài viết: “Việt Nam - Lò của Tổng Bí thư chưa đốt được nhiều tham nhũng”, trong đó dẫn lời bình luận của cái gọi là “chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành”, với nội dung: “Hiện bây giờ Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những giải pháp làm cái lò này, lò kia, nhưng mà nó có giải quyết được vấn đề gì đâu? Nó vẫn chưa đốt được bao nhiêu sự tham nhũng của chế độ…”. Nhớ lại những ngày đầu, khi công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa mang lại kết quả như mong muốn, họ lớn tiếng quy kết, cho rằng Việt Nam không chịu chống tham nhũng. Khi công tác này mang lại những kết quả quan trọng thì họ lại cho rằng, việc chống tham nhũng không được sự ủng hộ của người này, của nước kia... Họ thường chụp mũ, xuyên tạc những ý kiến chỉ đạo chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng ta và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Những giọng điệu ấy không nhằm mục đích nào khác ngoài việc xuyên tạc mục đích, hạ thấp giá trị tốt đẹp của cuộc đấu tranh này, làm giảm ý nghĩa thắng lợi của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu chưa rõ về cuộc đấu tranh này nên còn hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, vô tình làm tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.
Rõ ràng, việc nâng cao khả năng “tự đề kháng”, “miễn nhiễm” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội lúc nào cũng cần thiết và ở thời điểm hiện nay, nó không chỉ là cấp thiết mà còn thực sự cấp bách. Nó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải hiểu biết được thực chất âm mưu thủ đoạn của chúng là gì? Vì sao chúng lại “chính trị hóa” các vụ án này, tác hại của nó như thế nào và làm thế nào để chống được nó? Kiên quyết ngăn chặn, không cho nó xâm nhập vào trong suy nghĩ của mình, trong gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự “miễn nhiễm” đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc nhận thức, hiểu biết mà phải được nâng lên thành ý thức, thành lý tưởng, ý chí và niềm tin, từ đó hình thành nhân sinh quan, thành bản lĩnh. Nó chính là một bức tường thành kiên cố làm vô hiệu hóa mọi sự xuyên tạc, chống phá. Làm được như vậy tự nó đã thể hiện được sự tích cực, chủ động, thiết thực, cụ thể và bài bản trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Việc định hướng tư tưởng, định hướng dư luận một cách chủ động (nhất là trước các sự kiện lớn, những vụ việc lớn, những vụ án tham nhũng sắp được đưa ra xét xử, những nội dung có thể còn có những ý kiến khác nhau, những vấn đề dự báo sẽ còn nóng, những vấn đề đang được xã hội quan tâm) là vô cùng quan trọng, bởi làm được như thế chắc chắn sẽ hạn chế được khoảng trống thông tin, ngăn chặn được những suy diễn, đồn đoán, những hậu quả xấu từ sớm, từ xa; trên cơ sở đó, xây chắc, củng cố bền vững lòng tin của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Huy Tín (VOV.VN)