BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
À ơi xứ Nẫu ruột rà…
Cách đây ít lâu, trong niềm nhớ khôn khuây tôi có viết tạp bút Ðường xuân qua xứ Nẫu, bài được đăng trên báo Bình Ðịnh. Cứ tưởng sẽ nguôi ngoai phần nào, nào ngờ cầm tờ báo bạn gởi vào đâm ra nhớ nhiều thêm; cảnh trí, con người, cành cây, ngọn cỏ xứ ấy hiển hiện trong tôi còn tường minh hơn…
Thà rằng tôi là người xứ khác, ở đâu đó xa xôi, đằng này tôi cũng xứ Nẫu - Nẫu Phú Yên, xuôi Nam hơn trăm cây số chớ mấy… Thế mà nhớ quay nhớ quắt trong tôi Tuy Phước - một Bình Định rút gọn những tinh hoa. Nên khi ông bạn ở Tuy Phước nhắn gọn lỏn “ra chơi” là quày quả đi luôn, chỉ kịp nhắn tin cho vợ “anh ra thằng Sơn”. May là vợ tôi thông cảm, bởi sớm biết tôi ham chơi, lại mê Bình Định chứ không phải mê cô nào đó “cầm roi, đi quyền”.
1. Trên ruổi rong đường nghề, tôi đã kịp nhấm nháp rất nhiều hương vị xứ sở, từ những hun hút rẻo cao Tây Bắc cho đến nơi mênh mông sông nước miền Tây. Trừ quê nhà ra, chưa nơi nào khiến lòng tôi rộng thoáng ra như Tuy Phước xứ Nẫu. Tôi vẫn muốn nhắc lại điều này. Bởi khi đã sống quá nửa đời người tôi tin vào chuyện “đất lành” và cũng không nhiều nơi lành như Tuy Phước. Đất chỉ lành khi ở đó con người thiện lương, tử tế chiếm số đông. Và sau nhiều lần, nhiều ngày đi “cùng dinh cúng dính” khắp Tuy Phước từ mạn lên núi Phước An, Phước Thành đến xuống miệt biển như Phước Hòa, Phước Thắng, giàu có như Phước Hưng, nhộn nhịp như Diêu Trì…và tập trung để ý thật nhiều vào gương mặt, nụ cười thì tôi đoan chắc mình đúng; mà thích nhất là chưa một đề nghị giúp đỡ nào của tôi bị từ chối.
Tuy Phước tương đối nhỏ hẹp nhưng đất đai màu mỡ, con người thiện lương, mức độ trầm tích văn hóa đầy đặn, phong phú. Khu nhà bề thế trong ảnh là Tiểu Chủng viện Làng Sông. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Và bởi vì đang ở giữa quê hương hậu tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn nên nhất định phải lên núi Huỳnh Mai. Không phải chỉ để khấu đầu trước một tài năng lỗi lạc - như bạn tôi từng nhiều lần phân tích, chứng minh rằng tư tưởng của Đào Tấn vượt tầm thời đại, xứng đáng sánh ngang với bất cứ kịch tác gia quốc tế nào - mà còn để được ngắm quang cảnh tuyệt đẹp bên dưới, làng xóm thanh bình, con sông Tranh uốn quanh, lượn một đường yêu kiều… Chỉ ngồi ngắm thôi cũng đã thấy may mắn khi được thong thả ngồi ngắm cảnh.
2. Đất lành sanh trái ngọt, Tuy Phước là xứ có nhiều sản vật đáng gọi là “trái ngọt”. Tôi hay thả bộ qua phố nem chả Chợ Huyện - Phước Lộc. Nhắm miếng nem Chợ Huyện ngon ngót, đậm đà; tợp một tợp rượu Bàu Đá là coi như lạc bước giữa “mùa xuân xứ nẫu Bình Định”. Tôi sẽ không kể nhiều để trải nghiệm của bạn là vẹn nguyên của bạn, nên tin tôi bạn ạ!
Ông bạn Tuy Phước thù thì rằng, vùng Chợ Huyện xa xưa là nơi tập trung khá đông các gia tộc quyền quý, dần phát sinh nhu cầu ăn ngon, quy tụ đặc sản khắp xứ. Vùng này cũng chỉ cách kinh đô Vijaya - Hoàng Đế có một thôi đường, nên con nem xứ này được đào luyện đến tuyệt chiêu. Miếng nem chua Chợ Huyện ấn tượng bắt đầu từ lớp lá chuối xanh màu thôn dã, tiếp đó là làn hương lá ổi bình dị, đượm hòa cùng màu hồng nền nã của thịt nem, chợt đột phá bằng vị cay của ớt và những hạt tiêu nồng nàn. Một hòa âm ẩm thực thiên tài. Nâng thêm ngụm Bàu Đá, biết đời còn chút gì lâng lâng khinh khoái.
Thưa, sản vật đáng kể thứ hai của Tuy Phước là bánh ít lá gai.
Lần đầu cầm trên tay chiếc bánh, nghe lời giới thiệu đầy ấn tượng, tôi thong thả xoay xoay trên tay chiếc bánh. Bánh ít thì một đống tỉnh thành có đấy chứ, nhưng tại sao chỉ Bình Định mới có bánh ít lá gai? Hơn nữa không chỉ bánh ít lá gai, các loại bánh ít gói bằng lá chuối (để phân biệt với dòng bánh ít để trần và không gói lại) của Bình Định cũng phong phú, đa dạng hơn về hình thức, có loại như tháp cổ Champa, có loại như mái chùa Cầu Hội An, ngay cả như loại hình tháp thì cũng có loại tháp vút cao, có loại xoãi rộng đế ra, rùn thấp lại…
Khắp nước Việt không loại bánh ít nào kỳ thú như bánh ít lá gai của Bình Định!
Nghe tôi vừa phân tích, vừa tấm tắc khen, Ngô Hồng Sơn- bạn tôi, gã viên chức ngành VH-TT tập tọe theo đòi sự nghiên cứu khoa học, như tôi hay trêu - muốn phát rồ lên vì thích, vội điệu tôi tới luôn Cơ sở sản xuất bánh ít Bà Dư, theo y đây chính là… nhà máy sản xuất ra thứ bánh ít lá gai ngon- lành & đẹp nhất không phải chỉ ở Tuy Phước, mà có lẽ phải nhất thiên hạ mới đúng. Ở Bình Định tôi còn một gã bạn nữa, y làm báo và cũng cuồng si quê hương, nhưng mức độ cực đoan như Sơn thì y thua xa.
Thế nhưng vừa đến ngõ vào cơ sở, xe vừa dừng, tôi bỗng có cảm giác sửng lửng. Hình như bạn tôi không cực đoan lắm, thậm chí chi tiết y cứ nhắc đi nhắc lại rằng “bánh ít quê y ngon nhất thiên hạ” cũng có một chút đạo lý.
Lối vào nhà xanh mát khang trang, ngay từ đầu ngõ mũi tôi đã hếch lên bởi hương nếp, hương lá gai, hương đậu và vị dừa nạo như lật tung mũi tôi lên. Tôi không thể cưỡng lại việc hít một hơi dài tràn căng lồng ngực, cảm khái mà rằng “thơm kinh khủng khiếp”. Đoạn sau đó thì thôi khỏi phải kể, từng công đoạn luộc giã lá gai, quết nhuyễn với bột nếp, nạo dừa, xào nhân, gói lá, hấp bánh, cắt lá chuối tươi để gói bánh... Mọi thứ cứ nhịp nhàng, đều đặn và đẹp như múa. Lần đầu tiên trong đời tôi tin cách nói người ta lao động như múa với niềm vui là thật chứ không phải là ví von. Thật vậy, nếu bạn ngắm cái cảnh người ta chăm chút cho từng chiếc bánh bạn cũng sẽ như tôi thôi, sẽ nói như thế và tin rằng điều đó không hề ví von.
Chị Võ Thị Bích Ngọc, con dâu bà Dư thưa chuyện, ngày trước, bánh ít Bà Dư chỉ quanh quẩn phục vụ cho bà con trong vùng những dịp giỗ chạp, xa hơn thì bán ở chợ huyện, nhiều lắm là vào đến Quy Nhơn. Nay nhờ sự kết nối du lịch, công nghệ thông tin nên chiếc bánh dẻo thơm lan tỏa khắp đất trời Việt Nam. Nói như vậy không quá đâu, bởi cơ sở có hợp đồng dài hạn đã nhiều năm với các hãng hàng không để bánh ít lá gai có mặt trên máy bay.
Lá gai được dùng như rau thì quá đỗi quen thuộc. Nhưng ít ai biết rằng theo dược lý thì trong lá gai có axit chlorogenic, có khả năng ức chế vi trùng, diệt nấm; vì vậy sử dụng lá gai để làm bánh có thể giúp bảo quản bánh lâu hơn bình thường. Acid chlorogenic lại có tác dụng chống oxy hóa cao gấp 10 lần so với vitamin E, từ đó ngăn chặn tình trạng cao huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim. Lá gai còn có tác dụng kích thích bài tiết mật, tăng khả năng tiêu hóa và thông tiểu. Thế đấy, không thể nói vô tình mà bà con Bình Định sử dụng lá gai làm bánh, thực tế đời sống của cả hàng trăm năm đã kết tinh thành sự thông tuệ dân gian.
Gói vào lòng không chỉ hương thơm, vị ngọt, độ dai giòn, bùi béo, chiếc bánh còn gói cả những vị thuốc hữu ích và những câu chuyện đậm đà sắc màu văn hóa của một vùng đất. Thế cho nên từ vận chuyển bằng xe ngựa, xe đò giờ đây bánh ít lá gai lên tàu hỏa, cưỡi máy bay đi đến những miền xa nhất trên địa cầu. Nên tôi hay đùa, muốn ăn bánh ít lá gai bi giờ khỏi cần “lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”, ngồi ở nhà a lô là có.
Và riêng tôi, xin cho tôi được riêng gọi bánh ít lá gai Bình Định là bánh lá tháp.
3. Tuy Phước tương đối nhỏ hẹp nhưng mức độ trầm tích văn hóa đầy đặn, phong phú không hề thua huyện, thị nào khắp đất nước mình. Ở đây trầm tích các dòng giao lưu, khả năng dung nạp nhiều nền văn hóa khác nhau; có cảng thị, thành trì; có nhiều danh nhân ở nhiều lĩnh vực; sản vật phong phú và con người thiện lương… Chẳng phải thế mà văn minh phương Tây theo các nhà truyền giáo cũng chọn vùng ven đầm Thị Nại của Tuy Phước để làm bàn đạp dừng chân trước khi tiến sâu vào nội địa. À suýt tý nữa quên, Tuy Phước còn rất độc đáo trong làn điệu bả trạo lừng danh khắp các làng chài miền Trung! Còn có thể kể rất nhiều điều thú vị về Tuy Phước.
Lắm khi tôi bần thần ngẫm ngợi, ở hai đầu Bình Định, phía Bắc là Quảng Ngãi trong Nam là Phú Yên, cũng cách nhau một con đèo, dưới chân đèo cũng có đầm, có luồng ra biển, thế núi hình sông cũng na ná nhau, sông Trà Khúc sông Đà Rằng, cũng có lối lên Tây Nguyên… nhưng sao phía Bắc lệch sang xứ Quảng còn trong Nam ấm tình xứ Nẫu. Thật ra cũng dễ hiểu thôi, chuyện bắt đầu từ khẩu âm, phương ngữ. Con người ta khi nói với nhau càng dễ nghe, mau hiểu thì càng chóng gần, tự cái gần khởi thủy những lưu dân xuôi Nam mở đất kết tình với nhau chóng vánh hơn. Xứ Nẫu một nhà là vậy!
***
Chiều Tuy Phước lay lay. Chợt nhớ mấy câu của người thơ Phan Hòa: “Ta yêu em từ thời bao cấp khó khăn/ Tem phiếu thịt rau ở cửa hàng Tuy Phước/ Mùa mưa đến những cánh đồng ngập nước/ Mình đợi xuồng qua lại bến sông Kôn”. Lại vẳng đâu đây một giọng bài chòi thắm nồng lìm lịm giữa đất Võ trời Văn lâm thâm mưa bụi tháng Chạp ven đầm. Bất giác cảm khái mà cất giọng hát Nam, à ơi xứ Nẫu ruột rà…
ĐÀO ĐỨC TUẤN