51 năm Ngày ký Hiệp định Paris: Khát vọng hòa bình của miền đất lửa "máu và hoa"
Chiến thắng ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 đã góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh tại Hội nghị Paris, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau 51 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27.1.1973-27.1.2024), “vùng đất lửa” Quảng Trị đã và đang vươn lên mạnh mẽ, giá trị của hòa bình ngày càng được gìn giữ và tôn vinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27.1.1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)
Động lực và niềm tin
Chiến dịch Trị-Thiên giải phóng Quảng Trị 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ ngày 28.6 -16.9.1972, là hai trong số nhiều trận chiến và địa danh ghi đậm dấu ấn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Sau thất bại trong Chiến dịch Trị-Thiên giải phóng Quảng Trị 1972, Mỹ-Ngụy âm mưu tái chiếm Thành cổ Quảng Trị để có lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Trong khi đó, quân và dân ta quyết tâm giữ Thành cổ Quảng Trị, để cùng với thắng lợi ở các mặt trận khác trên cả nước buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, cùng với thắng lợi của quân và dân ta đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không chưa từng có, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12.1972; buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là kết quả của cuộc chiến đấu thần thánh của quân dân ta ở chiến trường, chiến thắng của sự phối hợp tuyệt vời của quân sự và ngoại giao…
Chính chiến công giữ vững Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm đã góp phần buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Từng tham gia hoạt động tiếp tế cho trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ bờ Bắc sông Thạch Hãn năm 1972, ông Phạm Hồng Cam (72 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại quân và dân ta rất hồ hởi khi biết tin Hiệp định Paris được ký kết. Nhiều người vui sướng ôm chặt lấy nhau, rồi cùng đi cắm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để xác lập chủ quyền lãnh thổ của ta.
Hiệp định Paris được ký kết đã tạo thêm động lực, niềm tin rất lớn cho quân và dân tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.
Điểm đến “vì hòa bình”
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến trường Quảng Trị hoang tàn năm xưa, nay đã được phủ xanh bởi những cánh đồng lúa, cây công nghiệp, cánh rừng trù phú.
Các khu đô thị, tuyến đường lớn, cảng biển, sân bay hiện đại đã và đang được xây dựng trên chính nơi từng xảy ra những trận chiến ác liệt hơn 50 năm về trước.
Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 71 triệu đồng năm 2023. Trên hành trình phát triển, Quảng Trị không ngừng xây dựng là điểm đến của khát vọng hòa bình và phát triển.
Ngày nay, du khách đến Quảng Trị để chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của dân tộc; nỗi đau chiến tranh và nỗi đau chia cắt - những nỗi đau không thể bù đắp bằng bất cứ giá nào.
Du khách đến Quảng Trị để cảm nhận đầy đủ khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do, khát vọng thống nhất của một dân tộc luôn sống trong thử thách và có lịch sử hàng nghìn năm phải đương đầu với chiến tranh, với những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất; đến đây để hiểu hết giá trị của hòa bình và phát triển.
Chiến sỹ ta thoát khỏi ngục tù của Mỹ ngụy để trở về vùng giải phóng, trong buổi trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 9.3.1973. (Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN)
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Nguyễn Huy Hùng cho biết tỉnh có 501 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích rất nổi tiếng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến bởi tầm vóc, giá trị lịch sử và tính độc đáo riêng.
Ví dụ như các Di tích Quốc gia Đặc biệt: Thành cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; cùng với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh của Quảng Trị.
Có thể xem Quảng Trị như là một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Đây là cơ sở hình thành loại hình du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng với các chương trình du lịch như: “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng của Quảng Trị hàm chứa tính đặc trưng riêng có, biểu trưng cho một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, được thể hiện không chỉ ở những giá trị hữu hình, mà hơn thế là những giá trị vô hình kết tinh ý chí và khát vọng hòa bình của một miền đất lửa "máu và hoa”.
Lễ hội Vì hòa bình
Tháng 12.2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên.
Dự kiến, Lễ hội sẽ diễn ra vào tháng 7.2024 nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ xây dựng cuộc sống hòa bình thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.
Lễ hội Vì hòa bình nhằm tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Qua đó, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, sản phẩm du lịch về mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Lễ hội có các hoạt động chính như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện; thỉnh tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia Đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ, bia tưởng niệm.
Cầu Hiền Lương trong ngày Lễ thượng cờ. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam, cho rằng Lễ hội Vì hòa bình trước hết cần bảo tồn, tôn tạo để gìn giữ, tôn vinh các di tích lịch sử mà địa phương đang sở hữu; đồng thời, cần có một sự kết nối hợp lý để tạo nên một hệ thống các điểm đến hấp dẫn, thu hút được du khách.
Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, cần đầu tư cho các cơ sở về dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách, trong đó cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho các sản phẩm văn hóa mang bản sắc địa phương, các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Quảng Trị như hồ tiêu, cà phê...
Lễ hội Vì hòa bình của Quảng Trị không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn tạo nên một điểm nhấn ấn tượng về vùng đất này, từ đó tạo nên sức thu hút mạnh mẽ đối với đông đảo cộng đồng nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội sẽ thúc đẩy việc bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh mà Quảng Trị đang sở hữu, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử, giá trị lịch sử cách mạng phong phú.
(Theo TTXVN/Vietnam+)