Một vòng Bình Ðịnh mến thương
Tôi vừa may mắn được tham gia một chuyến thực tế từ biển lên rừng. Những khám phá mới mẻ qua một vòng “cưỡi ngựa xem hoa” cho tôi thấy rằng, hiểu biết của mình về quê hương còn quá ít. Dù đã ở Bình Định gần 50 năm, tôi chỉ quẩn quanh Quy Nhơn, còn hiểu biết về các huyện, thị chủ yếu qua sách vở; trong khi thực tế sinh động hơn nhiều…
Khởi hành từ Quy Nhơn, qua đường cầu Thị Nại, ngắm nhìn những cánh quạt phong điện ở Nhơn Hội trên sườn núi và dọc đường đi, lòng thầm cảm ơn chủ trương lãnh đạo quyết làm con đường vượt biển, mở ra bao cơ hội đổi đời. Thành phố mở dần về phía đông, những xe công trình vẫn khẩn trương thi công các tuyến đường liên huyện, thuận tiện giao thông và lưu thông hàng hóa ngược xuôi.
***
Qua cầu Thị Nại, rẽ trái là tới Nhơn Hải, nơi đang hoàn thành những hạng mục của khu du lịch nghỉ dưỡng Merryland, đường nhựa cũng đã làm xong… Giờ thì thật tiện, từ sân bay đi theo tuyến đường 19 mới về Quy Nhơn hay đi tham quan di tích không còn cách trở. Xe thẳng về hướng Cát Tiến, trên đường đi trong tầm mắt là Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ, ngang qua tuyến đường vào khu FLC Nhơn Lý, tấp nập xe du lịch đến với bãi tắm Kỳ Co xanh biếc và các bãi san hô, hóng mát Eo Gió…, làng chài Nhơn Lý thuở xưa sầm uất, nhà cửa khang trang hơn và thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Quy Nhơn.
Vẻ đẹp hiếm có vùng biển Cát Tiến (Phù Cát) thu hút rất nhiều du khách. Ảnh: DŨNG NHÂN
Cát Tiến, lại là một quần thể du lịch khác, kết hợp yếu tố tâm linh và lịch sử, sẵn có các resort nghỉ dưỡng. Từ xa đã thấy tượng Phật Thích Ca màu trắng tọa thiền trên cao, núi xanh biển biếc bao quanh. Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong là một địa điểm được đầu tư công phu giàu tính thẩm mỹ hút nhiều du khách đến tham quan. Xế xế phía sau Quần thể là ngôi cổ tự có tên Linh Phong, dân gian gọi là chùa Ông Núi với bao sự tích về vị cao tăng đắc đạo, thuần phục cả hổ dữ, mặc áo vỏ cây chữa bệnh cho bá tánh. Chùa còn lưu bài thơ của hậu tổ hát bội Đào Tấn, người đã có một thời gian lưu lại tại chùa này. Gần đó, giữa một điểm cao ngắm cảnh thơ mộng là tượng đài Chiến thắng Núi Bà, ghi dấu tinh thần bám trụ kiên cường của cán bộ chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, đối mặt đạn bom của quân Mỹ và những cuộc càn quét của lính đánh thuê Nam Triều Tiên, để bảo vệ căn cứ, tiến đến thắng lợi vinh quang mùa xuân năm 1975.
Tượng đài Chiến thắng Núi Bà. Ảnh: T.H.N
Hành lang phía Đông tiếp tục trên con đường trước kia là đường quốc phòng, giờ đã thông thoáng và êm ả đến tận Tam Quan cực Bắc của tỉnh. Gần tới Cát Hải, ngó chếch bên trái lên đỉnh núi, là hòn Vọng Phu - người đàn bà bồng con mòn mỏi chờ chồng đã đi vào cổ tích.
Đến Cát Hải, ghé thăm đền thờ người anh hùng Nguyễn Trung Trực được UBND tỉnh đầu tư xây dựng trên chính quê nội của ông. Ngay cả trong mơ, nhà thơ nông dân quê xứ Cát Khổng Vĩnh Nguyên có lẽ cũng không thể tưởng tượng một ngày vùng quê cằn cỗi, đá sỏi của mình lại nhanh chóng đổi thịt thay da, đường sá mở rộng, công trình dân sinh mọc lên giúp làng xóm vui tươi rộn rã hơn.
Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Tới cảng cá Đề Gi tấp nập thuyền bè, chúng tôi tạm dừng chân tại một bãi phi lao đã được quy hoạch thành khu du lịch. Gió biển lồng lộng xua tan mệt nhọc, các đoàn du lịch tổ chức vui chơi làm nên sự náo nhiệt của vùng biển đẹp này. Đề Gi nổi tiếng với món mực nang, gỏi cá mai và cá hồng gai bám đá kiếm ăn nên thịt rất chắc và ngọt. Phù Cát ngày xưa trong ký ức của tôi chỉ vỏn vẹn khu điều dưỡng suối khoáng Hội Vân, đường đất sỏi và nhiều cỏ dùi trống, đất cát bạc màu chỉ trồng bạch đàn; còn giờ là nơi có nhiều điểm du lịch tiềm năng thu hút khách đến các chứng tích văn hóa - lịch sử - tâm linh và thưởng thức đặc sản địa phương.
Đến địa phận Phù Mỹ, ngang qua Mỹ Thành - vùng đất nổi danh đặc sản cá chua rau ngành ngạnh quán Gió, tới Mỹ Thọ chúng tôi dừng chân men theo bãi biển lên hang Mũi Rồng, cảnh đẹp nhưng chưa được khai thác, lại có cái thú thưởng thức nét hoang sơ của thiên nhiên diễm lệ. Thời gian ngắn nên đoàn lại thẳng tiến hướng Lộ Diêu. Tôi qua Mỹ An - nơi trước kia khi còn là sinh viên chúng tôi có dịp tìm hiểu viết địa chí cho xã. Các lâm trường không còn chiếm nhiều diện tích đất ven biển nữa mà nhường chỗ hàng cây số cơ man các tấm pin năng lượng mặt trời.
Kết thúc hành trình phía Đông là cảng cá Tam Quan, với đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu, tôi tiếc không được gặp lại người bí thư đảng ủy xã năm xưa, đã đưa tôi đi trong chuyến thực tế viết về lực lượng dân quân vùng ven biển, cho tôi hiểu quyết tâm bám biểm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân. Nhưng bù lại, tối đó chúng tôi được giao lưu cùng chi hội văn nghệ xứ Hoài, nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng đất Hoài Ân cũng có mặt, có vợ chồng nghệ sĩ Lý Thành Long - nghệ nhân ưu tú mang tới các làn điệu bài chòi quê hương… Chợt nghĩ, lâu nay trại sáng tác toàn tổ chức ở Quy Nhơn, giá như mạnh dạn đưa văn nghệ sĩ cả nước về đóng trại dài ngày tại Hoài Nhơn, chắc chắn có nhiều tác phẩm hay về vùng đất chịu nhiều hy sinh trong kháng chiến, với bao sự tích anh hùng…
Hành lang phía Tây bắt đầu từ Hoài Nhơn về, có thể chọn mốc đồi Mười, nơi có bao trận chiến quyết liệt giữa sư đoàn Sao Vàng. Chúng tôi ghé thăm đền thờ Đào Duy Từ, như người đặt nền móng cho nghệ thuật hát bội Việt Nam, chiêm ngưỡng một tài năng quân sự và cũng là người có công lớn với văn hóa nước nhà. Đi theo đường Hoài Ân, viếng đền thờ anh hùng Tăng Bạt Hổ - một tấm gương sĩ phu chống Tây trong phong trào Cần Vương và đồng chí của nhà cách mạng Phan Bội Châu sau này. Về Phù Mỹ, đứng trên đập Thạch Khê ngắm công trình thủy lợi bảo đảm nguồn nước cho bà con nông dân, thăm trang trại Truông Gia Vấn với mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái…
Đi một ngày đàng… để vỡ lẽ quê mình rất nhiều điều kỳ thú, nhiều nơi chốn còn ẩn chứa bao tiềm năng bao cơ hội phát triển vươn lên. Tự nhủ mình cần phải đi nhiều hơn, đi để yêu quê hương hơn.
TRẦN HÀ NAM