Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên: Vẫn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng
Gặp nhiều vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư diễn ra rất chậm. Mới đây, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 phối hợp với UBND huyện Tây Sơn nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, không để Dự án chậm trễ hơn nữa.
Vướng mắc đáng kể nhất nằm ở đoạn đi qua cầu Ba La, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Tại đây, có 37 hộ dân, trong đó có 7 hộ thuộc diện giải tỏa trắng nhưng chưa chịu giao mặt bằng. Nhiều ngôi nhà ở khu vực này nằm sát với chân taluy đường, đơn vị thi công mố cầu cao từ 1,27 - 3,53 m, cá biệt có nơi mặt đường cao hơn cả mái nhà, người dân mất đường vào nhà, lại không thể làm lối đi khác để vào nhà. Các hộ dân yêu cầu bồi thường toàn bộ công trình trên đất; hỗ trợ đắp đất tôn nền lên bằng đường và phải có lối đi trực tiếp để tiếp cận với QL 19 được thuận lợi, an toàn, đảm bảo an sinh tối thiểu.
Ban Quản lý dự án 2 đã thảm nhựa đoạn đường đi qua xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Ảnh: HẢI YẾN
Trước thực tế này, UBND huyện Tây Sơn đã tổ chức đối thoại, tìm sự đồng thuận, nhưng chỉ cách đây ít ngày người dân vẫn tập trung để ngăn cản việc thi công.
Bà Ngô Thị Bích Liên (thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang) kể: Từ ngày làm đường cao hơn cả mái nhà, gia đình tôi hứng chịu bụi bẩn, trời mưa nước chảy hết vào nhà, cuộc sống vô cùng bất tiện. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh, Trung ương đi kiểm tra Dự án ghi nhận thực tế, hứa sẽ khẩn trương bồi thường cho dân trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi rất vui. Thế nhưng từ đó đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản hỗ trợ, biên bản cam kết chi trả bồi thường. Cuộc sống người dân đã quá khổ cực suốt 2 năm qua rồi không thể im lặng mãi.
Ngày 24.1, UBND huyện Tây Sơn có báo cáo chi tiết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) 37 hộ đoạn cầu Ba La trình UBND tỉnh chỉ đạo. Hội đồng Bồi thường - GPMB huyện đang thực hiện theo chính sách bồi thường, hỗ trợ của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cho rằng việc nâng cao độ nền đường trước mặt thửa đất quá cao, đề nghị áp dụng bồi thường theo khung chính sách GPMB và tái định cư của Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, người dân yêu cầu bồi thường cả phần diện tích nhà, công trình, vật kiến trúc nằm ngoài phạm vi GPMB để người dân có điều kiện sửa chữa lại nhà cho phù hợp với cao độ hoàn thiện nền QL 19.
Hội đồng Bồi thường - GPMB huyện đưa ra 2 - 3 phương án bồi thường theo chính sách bồi thường của tỉnh và của Ngân hàng Thế giới đối với từng nhóm trường hợp cụ thể như: Đối với 7 trường hợp dự kiến giải tỏa trắng để mở rộng, tạo kiến trúc không gian khu vực hành lang an toàn cầu, đường bộ có 3 phương án; đối với 10 hộ phía trên cầu Ba La có 2 phương án bồi thường theo khung chính sách bồi thường của tỉnh và của Ngân hàng Thế giới; đối với 20 hộ phía dưới cầu Ba La cũng có 2 phương án theo khung chính sách bồi thường của tỉnh và khung chính sách của Ngân hàng Thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Việc áp dụng theo khung chính sách GPMB và tái định cư của Ngân hàng Thế giới để bồi thường, hỗ trợ phần tài sản nằm ngoài phạm vi GPMB hiện tại Hội đồng Bồi thường-GPMB chưa có cơ sở để thực hiện. 19 hộ dân còn lại ở dưới cầu Ba La đề nghị không làm đường gom mà bồi thường, hỗ trợ để xây dựng lại nhà cao bằng đường mà không làm thay đổi về giá trị quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến đời sống lâu dài. Tuy nhiên, để giải quyết được các vấn đề tồn tại nêu trên, tránh phát sinh khiếu kiện đối với những hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xong công tác GPMB trên toàn tuyến, chúng tôi đề nghị Ban Quản lý dự án 2 phải thẩm định và có ý kiến cụ thể từng trường hợp. Chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có cơ sở thực hiện.
Theo Ban Quản lý dự án 2, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, QL 19 (gọi tắt Dự án) dài 143,6 km, có 8 gói thầu: Điểm đầu là Km50+00, QL19 thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối Km241+00, QL19 thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Dự án đi qua tỉnh Bình Định 17 km, tỉnh Gia Lai 126,34 km, thực hiện từ năm 2017 - 2023; quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IDA) 150 triệu USD; vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật 2,1 triệu USD. Đến tháng 7.2022, Bộ GTVT quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và điều chỉnh tiến độ dự án kết thúc vào tháng 6.2024.
HẢI YẾN