Rộn ràng làng bún cuối năm
Bún số 8 sử dụng nguyên liệu chính là tinh bột mì; do được tạo hình số 8 khi đóng gói mà thành tên. Bà Trương Thị Tâm gắn bó với nghề làm bún số 8 gần 15 năm tại phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) chia sẻ: Để cọng bún ngon đòi hỏi phải chú trọng đến kỹ thuật ngay từ những khâu khuấy bột, canh lửa rồi phơi đủ nắng. Hiện nay, nhờ có máy móc hiện đại, không những việc sản xuất đã giảm bớt nhọc nhằn mà chất lượng bún cũng cao hơn, đồng đều.
Từ tầm tháng mười một âm lịch, các lò, xưởng sản xuất bún bắt đầu tăng công suất, nâng sản lượng để có đủ hàng đáp ứng thị trường Tết.
Người làng bún An Thái phơi bún. Ảnh: H.T.Đ
Đang phơi đợt bún sáng, chị Lâm Thị Tám, ở làng bún An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) nói: Hiện chúng tôi đang làm bún để tiêu thụ đợt Tết, đến khoảng 26 - 27 tháng Chạp mới dừng. Ngoài bún số 8, chúng tôi còn làm bún vàng để đa dạng sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Nhiều năm gần đây, nhờ có hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ, nên việc sản xuất bún nhẹ nhàng hơn.
Tương tự ông Nguyễn Đình Chánh, ở xã Cát Tường (Phù Cát) kể: Gia đình tôi gắn bó với nghề làm bún số 8 đã mấy chục năm; cứ giáp Tết là tất bật hơn để cho ra những phần bún ngon, đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Giá bún năm nay hiện vẫn đang ổn định ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Để đứng được trên thị trường, các làng nghề không ngừng đổi mới, tăng cường sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao cả chất lượng, độ đồng đều và mức ổn định của sản phẩm. Cùng với đó, nhiều hộ còn chú trọng đầu tư vào khâu bao bì, hình thức tiến tới xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.
HỒ THỊ ĐIỂM