Hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Triển khai thực hiện Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (gọi tắt là Ðề án 06), hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế đã đem lại nhiều lợi ích lớn.
Hỗ trợ người dân tốt hơn
Chuyển đổi số trong ngành y tế đem lại nhiều lợi ích tích cực, trước tiên là hỗ trợ để người dân được trải nghiệm các dịch vụ, từ đó cũng dễ dàng tương tác và kết nối, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, thông qua trải nghiệm thực tế, người dân sẽ kịp thời phản ánh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của ngành.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh bằng thẻ CCCD. Ảnh: H.T.Đ
Gặp phóng viên tại khu khám bệnh thuộc TTYT huyện Tuy Phước, ông Trần Văn Cư (SN 1967, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) cho biết: Tôi mắc bệnh tim nên phải thường xuyên đi kiểm tra, nhưng hay để thất lạc thẻ BHYT, khiến tôi không ít lần gặp phải khó khăn. Áp dụng đăng ký khám bệnh bằng CCCD tôi thấy tiện lợi hơn.
Hay như trường hợp của ông Đỗ Văn Đây (SN 1970, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) nhiều năm nay lui tới BVĐK tỉnh để kiểm tra, điều trị bệnh tiểu đường, tim mạch. Nhìn thấy sự đổi mới trong quy trình khám chữa bệnh, ông Đây nói: Hiện nay, khi thăm khám tại BVĐK tỉnh, tôi không cần phải mua sổ khám bệnh nữa, chỉ cần đưa CCCD để nhân viên y tế quét mã và kiểm tra thông tin là xong. Tôi thấy thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, không cần phải chờ đợi lâu.
Bên cạnh việc khám chữa bệnh bằng CCCD, các bệnh viện trong tỉnh cũng đã đồng loạt áp dụng một số nội dung chuyển đổi số thuộc Đề án 06 như: Thanh toán không dùng tiền mặt; liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử… Trong đó, khám chữa bệnh bằng CCCD là cải cách trong thủ tục hành chính được áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong cả tỉnh.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng Khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh), cho biết: Hiện nay, tại Khoa Khám bệnh, chúng tôi đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cả người dân và nhân viên y tế; quy trình đăng ký khám chữa bệnh diễn ra nhanh chóng, tiện lợi; thông tin hồ sơ bệnh án của người dân được lưu trữ đầy đủ, chính xác và dễ dàng kiểm tra, quản lý.
Giảm tải cho nhân viên y tế và nhà quản lý
Chuyển đổi số tạo điều kiện để nhân viên y tế, đội ngũ y bác sĩ được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới; các thủ tục hành chính diễn ra nhanh chóng; giảm được các sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho người bệnh; các bác sĩ kịp thời kết nối và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
Chị Đặng Lê Mai Hồng, điều dưỡng tại TTYT huyện Vân Canh, kể: Từ thời điểm áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD, tôi tiếp nhận đăng ký và tra cứu thông tin người bệnh nhanh hơn, hiệu quả cao hơn chỉ qua một thao tác quét mã. Từ đây, chúng tôi kiểm tra, quản lý và nắm bắt thông tin khách hàng để chuyển đến bộ phận thăm khám, điều trị tốt hơn.
Là cơ sở y tế tuyến huyện, năm 2023, TTYT huyện Tuy Phước cũng tích cực chuyển đổi số theo Đề án 06. Cụ thể: Tiếp nhận 37.655 lượt khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD, 425 lượt thanh toán không dùng tiền mặt; liên thông 2.956 lượt dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử… Bác sĩ Nguyễn Bá Lương, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho biết: Ngoài chú trọng các thủ tục hành chính liên quan đến công tác chuyển đổi số như trang bị hệ thống máy quét thẻ, trang bị các mã QR tại các điểm thu không dùng tiền mặt… TTYT huyện Tuy Phước đã trang bị và đưa vào hoạt động một số máy móc như: Hệ thống phẫu thuật nội soi, ngoại khoa… các thiết bị này trả kết quả với dữ liệu số, nhờ đó có thể liên thông dữ liệu cho phép hỗ trợ, tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (BVĐK tỉnh), cho hay: Đến nay, BVĐK tỉnh đã triển khai được hết các nội dung chuyển đổi số liên quan đến Đề án 06. Phòng Công nghệ thông tin không ngừng nâng cấp để phục vụ ngày càng tốt hơn. BVĐK tỉnh đã chuyển sang sử dụng bệnh án số thay vì bệnh án giấy; đang tiến tới thiết lập bệnh án điện tử với toàn bộ thông tin được lưu trữ, quản lý trên máy, áp dụng chữ ký số. Với hướng phát triển này, bệnh án điện tử sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người dân; các bệnh viện, đơn vị có thể kết nối, đọc kết quả và sử dụng kết quả chẩn đoán của nhau.
Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy ngành y tế phát triển. Để làm được điều đó cần có sự đồng bộ về hạ tầng, KHKT, nhân lực… Bác sĩ Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: BVĐK tỉnh đang từng bước hoàn thiện cả về công nghệ và hạ tầng nhằm đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người dân; hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên y tế; hướng đến sự nhanh chóng, chính xác. Hiện nay, BVĐK tỉnh đang tiến dần đến áp dụng bệnh án điện tử, tích cực nâng cấp nguồn lực và hạ tầng để đáp ứng và hỗ trợ tốt hơn cho người dân trong giai đoạn công nghệ số.
HỒ THỊ ÐIỂM