Bảo vật quốc gia Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (bằng đá, trọng lượng 200 kg), thuộc niên đại đầu thế kỷ XII, được phát hiện tại Rừng Cấm, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Năm 2015, Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini được Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (ảnh).
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Loại hình này thường được đặt trang trí ở bên trên cửa chính - cửa ra vào của những đền/tháp Champa.
Phù điêu thể hiện nữ thần Mahishasuramardini sôi động tràn đầy sức sống, ngực căng tròn, bụng nở, bắp đùi thon thả, các cánh tay nõn nà mềm mại, thể hiện các hoạt động của vũ trụ: Sáng tạo, bảo tồn, phá hủy, hóa thân, giải thoát; cầm các vật thiêng như chuông, vòng cakra, đoản kiếm 3 cạnh, hai bàn tay trên cùng kết ấn… thể hiện sức mạnh và quyền lực của mình; hai chân khuỳnh ngang, một chân trụ vững trên thân Makara, chân kia nhón gót như đang quay tròn theo nhịp quay của chân và tay.
Theo thần thoại Ấn Độ, nữ thần Mahishasuramardini là chị của thần Krishna, vợ của thần Shiva và còn có tên khác là Uma, Parvati, Durga, Devi, Sati, Kali… Nữ thần sinh ra từ sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của các vị thần khác để diệt trừ ma quỷ đe dọa trên thế gian. Nữ thần có một chiến công lớn là giết được quỷ đầu trâu Mardini. Tác phẩm điêu khắc thể hiện Mahishasuramardini đang đứng trên lưng hai con Makara quay ngược đầu nhau, hình tượng được xem là độc nhất vô nhị và lớn nhất.
KIỀU VY