Phù điêu nữ thần Sarasvati
Phù điêu nữ thần Sarasvati (ảnh) có niên đại thế kỷ XII, được phát hiện vào năm 1988 tại phế tích tháp Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn (nay thuộc khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn). Năm 2020, Phù điêu nữ thần Sarasvati được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Nữ thần Sarasvati - vợ của thần Brahma - là nữ thần sáng tạo ra tiếng Phạn, nữ thần của thi ca và nghệ thuật. Sarasvati theo tiếng Ấn Độ cổ có nghĩa thuộc tính nước, là dòng sông tôn kính nhất (sông Thánh) chảy từ núi Tuyết đến vùng Patiala và cuối cùng đổ về Ấn Độ Dương. Phù điêu mang hình tượng độc nhất vô nhị, gần gũi, thể hiện tính nữ của thần Brahma rõ nét nhất và có hình thức thể hiện độc đáo so với các phù điêu Sarasvati khác.
Phù điêu nữ thần Sarasvati là loại hình điêu khắc thường được đặt trang trí ở các trán cửa chính - cửa ra vào của những ngôi đền/tháp Champa. Hình tượng thể hiện trên phù điêu là một nữ thần được tạc nổi trong vòm cung nhọn (tấm lá nhĩ). Nữ thần có ba đầu đều đội mũ hình chóp viền dải băng ngọc và hình cánh sen, bốn tay thể hiện vũ nữ đang múa trong tư thế tam đoạn (tribhanga); hai cánh tay chính trong tư thế tĩnh, cánh tay khuỳnh ra hai bên sau đó gập khuỷu tay lại đưa ngang trước ngực và cùng cầm một chiếc bình nước; hai cánh tay phụ ở phía sau trong tư thế động, múa với động thái thật nhịp nhàng theo một điệu nhạc huyền bí nào đó, những ngón tay duỗi thẳng, hai đầu ngón tay chạm vào nhau để cầm chuỗi tràng hạt (tay phải), búp sen (tay trái), miệng mỉm cười hạnh phúc. Nữ thần ngồi trong tư thế kiết già (virasana), phía dưới là một tòa sen.
KIỀU VY