Năm đầu tiên thực hiện bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống
Việc sử dụng bộ tiêu chí hướng tới chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Lễ hội chùa Đậu (Hà Nội) xuân Giáp Thìn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mùa lễ hội 2024 sẽ là lần đầu tiên toàn quốc thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" để hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh.
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương nêu rõ "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" được ban hành ngày 3.8.2023 nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức lễ hội trên cả nước tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Việc sử dụng bộ tiêu chí cũng hướng tới chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Từ đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.
Cục Văn hóa Cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng những tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi việc triển khai bộ tiêu chí trong mùa lễ hội 2024.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, qua tổng hợp, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra phương án trọng tâm, trọng điểm, dự báo với hoạt động lễ hội tại địa phương.
Nhiều nơi đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho hoạt động lễ hội chung; chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.
Quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống năm nay mở rộng hơn. Tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày. Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lượng du khách trảy hội đông, việc đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được các địa phương hết sức quan tâm...
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh, văn minh.
Trong số đó có Công văn số 5833/BVHTTDL-VP về "Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024" nêu rõ các địa phương phải bảo đảm hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương có lễ hội thu hút đông người tham dự như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ và Vĩnh Phúc cần giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội.
(Theo TTXVN/Vietnam+)