Thí điểm trồng sâm tiến vua trên đất gò đồi tại Tây Sơn
Với quy mô 1,2 ha trồng sâm tiến vua, mô hình của chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (SN 1985, thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất đồi tại xã Tây Giang nói riêng và huyện Tây Sơn nói chung.
Mong muốn tận dụng hiệu quả diện tích đất vườn nhà, đầu năm 2023, chị Hiếu đã liên hệ với Công ty TNHH Sâm bố chính Tâm Linh tại TX An Nhơn phối hợp triển khai trồng cây dược liệu “Sâm tiến vua” và đã xuống giống gần 170 nghìn cây.
Sau một thời gian, chị Hiếu nhận thấy sâm tiến vua dễ trồng và khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại đất đồi xã Tây Giang. Chị cho biết: Qua 5 tháng gieo trồng, cây sâm phát triển tốt, đến nay tôi đã thu được hơn 200 kg hạt giống và được số lượng kha khá củ sâm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu giới thiệu về vườn “Sâm tiến vua” của gia đình. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Đây là một loại cây trồng mới tại vùng đất đồi, do vậy chị Hiếu đã không ngừng cập nhật và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức từ chuyên gia, sách báo và trên internet nhằm chăm sóc cây trồng hiệu quả. Đặc biệt, chị chú trọng nhiều đến kỹ thuật canh tác như đầu tư hệ thống nước tưới nhỏ giọt, lót bạt, làm cỏ…, quan tâm chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ.
Với quy mô hiện tại 7.700 cây/sào, mỗi cây đến khi thu hoạch có trọng lượng từ 100 - 150 g, giá sâm theo thị trường dao động từ 200 - 300 đồng/kg; với diện tích gieo trồng trên, đến mùa chị Hiếu ước đạt thu được từ 120 - 140 triệu đồng/sào. Cây sâm có thể thu hoạch được cả củ, hạt giống và lá.
Nhằm đạt hiệu quả, chị Hiếu đang kết nối với Công ty TNHH Sâm bố chính Tâm Linh để phát triển theo hướng chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm. Hiện chị còn đầu tư thêm dịch vụ du lịch tại vườn sâm như xây dựng nhà chòi, trang trí thêm cảnh quan nhằm kết hợp phát triển du lịch cộng đồng vì nằm cùng tuyến đường với Khu du lịch sinh thái suối Đồng Tre. Chị Hiếu dự định tiếp tục xuống giống trồng thêm 2 ha cây sâm.
Bà Nguyễn Thị Hà Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết: Mô hình sâm tiến vua của chị Hiếu được trồng thí điểm đầu tiên tại huyện Tây Sơn trên đất đồi mà trước đây chỉ trồng cây mía, cây mì không đem lại hiệu quả. Qua thời gian trồng thí điểm, chúng tôi nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt. Địa phương đang tích cực hỗ trợ để phát triển mô hình mới này, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ cây “Sâm tiến vua”. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền người dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, có giá trị kinh tế cao.
HỒ THỊ ÐIỂM