Hiệu quả từ các mô hình thâm canh cây trồng trên đất chuyển đổi: Góp phần thay đổi tư duy canh tác của người dân
Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định sẽ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm tạo ra các vùng trồng chủ lực để nâng cao giá trị nông sản.
Trong năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 6.825 ha đất lúa, mía, mì kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, trên 258% kế hoạch năm. Cụ thể: Chuyển đổi trên đất lúa 4.538 ha; trên đất trồng mía 65,4 ha; trên đất trồng mì 2.222 ha; năng suất tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm trước.
Mô hình thâm canh cây mè tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Ấn tượng rõ nét nhất là những mô hình chuyển đổi trên chất đất trồng lúa, mía, mì kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Qua đó từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức trong canh tác, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
“Hiệu quả rõ nhất trong những năm qua là các mô hình thâm canh cây bắp, mè và đậu phụng trên đất chuyển đổi. Những mô hình này được chính quyền địa phương, bà con nông dân đánh giá cao và được nhân rộng mạnh mẽ mà không cần ngành chức năng thúc đẩy, bởi hiệu quả mang lại rõ rệt, tăng hơn so với sản xuất truyền thống, đại trà từ 20 - 25%”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), khẳng định.
Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình trồng thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi với diện tích 12 ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Ân và TX Hoài Nhơn. Các giống bắp được sử dụng như SSC586, DK 6919S, MK 668, PAC 339, PAC 999, PAC 999 super, cho năng suất bình quân 69,4 tạ/ha, lợi nhuận đạt 11,87 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng lúa đối chứng 2,239 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Ngọc Bá (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn), cho biết: Thâm canh cây bắp trên đất chuyển đổi kết hợp với các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt hơn, đạt năng suất cao hơn so với bắp canh tác theo lối cũ, đặc biệt chất lượng sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn được ưa chuộng hơn. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục trồng đậu phụng - mè - bắp trên đất mì kém hiệu quả.
Đối với cây mè, Trung tâm Khuyến nông tập trung triển khai tại các vùng khô hạn, thiếu nước tưới của các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và TX Hoài Nhơn. Các giống mè được sử dụng là V6 và V36, cho năng suất trung bình 11,3 tạ/ha (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn đạt đến 14 tạ/ha), lợi nhuận hơn 21,671 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với các loại cây trồng khác trên cùng chân đất như lúa, mì. Đồng thời, các hộ dân được HTX hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để làm dầu mè nên rất yên tâm trong sản xuất.
Đối với mô hình thâm canh cây đậu phụng gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, Trung tâm tập trung triển khai thực hiện tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát với quy mô 3 ha/điểm trình diễn. Đây là mô hình hướng dẫn nông dân sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, chú trọng bón phân cân đối và sử dụng chế phẩm Trichoderma, tạo môi trường đất phù hợp cho cây sinh trưởng phát triển, tỷ lệ nảy mầm đạt từ 87 - 95%, hạn chế bệnh chết ẻo trên cây đậu phụng; năng suất thực thu đạt 37,6 tạ/ha, lợi nhuận mang lại 33,043 triệu đồng/ha, cao hơn 11,301 triệu đồng/ha đậu phụng trồng cùng chân đất, mùa vụ.
Ông Đinh Nhin, ở làng 3, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Trước đây bà con địa phương thường trồng bắp, bí đỏ, đậu xanh, đậu đen. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nước tưới không đủ nên năng suất thấp hoặc có khi bỏ hoang đất, không canh tác. Khi tham gia mô hình, tôi và các hộ dân khác được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây đậu phụng. Nhờ vậy, cây đậu phụng sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, lượng nước tưới ít hơn, năng suất cao hơn so với các loại cây đã trồng trước đây, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt, canh tác được quanh năm, không có vụ nào bỏ đất hoang như trước đây nữa.
Ông Huỳnh Việt Hùng cho biết: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với năng lực cấp nước tưới, tình hình sản xuất và điều kiện tự nhiên của địa phương; đồng thời, việc chuyển đổi phải tập trung và mạnh để tạo những vùng chuyên canh lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở, DN chế biến. Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục triển khai mô hình, chuyển giao kỹ thuật, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy, phương thức canh tác của người dân. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch triển khai, kết hợp lồng ghép nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả hơn.
THÀNH NGUYÊN