BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Hát đối đáp - một vốn văn hóa đặc sắc
Vĩnh Thạnh quê tôi, xứ sở thượng nguồn sông Côn của tỉnh Bình Ðịnh có nhiều danh thắng kỳ vĩ gắn liền với những huyền thoại hào hùng, với những sử thi Bana Kriêm thấm đẫm chất anh hùng ca, mà lũ làng Bana thường hằng đêm quanh bếp lửa hồng nghe kể... Xứ sở sông Côn này còn có một vốn văn hóa dân tộc Kinh đặc sắc tuy đã có người biết tới nhưng chưa có điều kiện bay xa. Ðiều tôi muốn nói đến, đó là mảng sinh hoạt văn hóa hát đối đáp.
Trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh về đêm. Ảnh: LONG VŨ
Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều tập sách được xuất bản như Đất và người đánh chiêng, Truyện ký sông Kôn, những tập thơ như Những cần rượu trong trăng, Từ Krông Bung và hồi ký Ở lại với dòng sông… là những tác phẩm thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa người Kinh và người Bana từ bao đời trong cuộc kháng chiến của nhân dân, về một vùng văn hóa giao hòa giữa các dân tộc lâu đời của Bình Định. Sự tồn tại và phát triển sinh hoạt văn hóa hát đối đáp là một ví dụ.
Sinh hoạt văn hóa hát đối đáp rất sinh động đã một thời gắn bó với cuộc sống sôi nổi của người dân. Một thời họ cùng nhau cày cấy làm nên hạt gạo dẻo thơm; một thời cùng vui chơi ca hát dưới ánh trăng vàng của cánh đồng làng ngạt ngào hương lúa, hay lúc đưa đò, chở đỗ, chở mè trên dòng sông Côn thơ mộng với những chiếc đò ngang bé nhỏ bập bềnh trên sóng nước. Và có cả một thời cùng nhau đi dân công tải đạn, vượt qua sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, tiếng hát đối đáp vẫn luôn được cất lên đằm thắm, ngọt ngào.
Những người từng tham gia hát đối đáp ở đây nhiều và hay được mọi người biết đến là những nghệ nhân, tiêu biểu như ông Phan Ngạn, một người nức tiếng hát hay, đàn giỏi khắp vùng. Cùng với Ngọc Cư, ông là đồng tác giả bài hát Con cua đá nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ca khúc có những câu thật bình dị nhưng ai cũng nhớ nằm lòng - Cồn Cỏ ấy có con cá đua mà là con cua đá. Nó nằm trong đá nó nằm trong khe, nó có bốn cái que, nó có hai cái càng… Trời về tối ấy lính ta rất mê...
Ông Phan Ngạn còn là nhà nghiên cứu, nghệ sĩ ưu tú về dân ca bài chòi của đất Bình Định, những câu hát thời trai trẻ của ông nơi quê nhà Vĩnh Thạnh nhiều người vẫn không thể nào quên. Ví như những câu “hát trách” sau đây của ông thật dí dỏm: … Trách thứ bảy, nấu thịt rang gà/ Trách thứ tám, nấu cà thu đủ/ Trách thứ chín, nấu cả khoai lang/ Tai em nghe vè giã gạo tại làng/ Ngó chừng mỏi mắt/ Chín trách “nàng” cháy khô…
Còn như ông Đoàn Ngọc Lý, là một cán bộ chính trị, văn hóa của tỉnh, trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương, thời thanh niên thường sôi nổi tham gia nhiều đêm hát với bạn hát các làng xóm trong huyện. Khi đã sang tuổi bát thập mà vẫn thuộc nằm lòng những câu hát đằm thắm do mình ứng tác tự ngày xưa, như bài Hát gặp gỡ dưới đây:
Nữ: … Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi/ Ngồi trong rãnh hẹ nhớ mùi rau răm/ Hỡi anh bạn cũ trăm năm/ Quay tơ có nhớ nghĩa tằm hay quên.
Nam: Em quay tơ nhớ từng bướm đẻ/ Ơn nghĩa anh không lẽ nào quên/ Nghĩa nào nghĩa nấy em quen/ Nghĩa anh, em để một bên tấm lòng…
Hay như bà Lê Thị Anh, bạn hát một thời, cũng ứng tác những bài hát giao lưu khá thú vị: … Em chào sáu trò, lựa môn hàng sách/ Em chào bảy trò, dựng vách chữ vàng/ Em chào tám trò, hai hàng khay cẩn/ Em chào chín trò, rồng ẩn mây thanh/ Em chào mười trò, kiểng xanh tươi tốt/ Em chào tiếng nữa, người đẹp rất xinh…
Nghệ nhân Lê Trần Tỵ ở An Nhơn, một kỹ sư thủy lợi, cũng hát hò hê rất hay, và đoạn hò thề nguyền dưới đây, cho ta thấy vè bốn chữ liên hoàn, quyến rũ: Anh ơi, ở lại khoan về/ Để em gửi trọn một bề cam riêng/ Một quả dừa xiêm/ Một tiềm đường cát/ Một lạt thuốc khô/ Một lô giấy quyến/ Một liễn trầu nguồn/ Một buồng cau lửa/ Một lứa rượu hay/ Một dây chè liên/ Bà con làm chứng thề nguyền/ Đưa dầu anh bạn xuống thuyền về quê?
Và đó chính là cơ duyên tập sách Câu hò bên sông Kôn xuất bản đã 15 năm nay đã đến với bạn đọc gần xa, như lời giới thiệu về một nét văn hóa đặc sắc, mộc mạc và chân tình đã có từ lâu đời của người dân vùng sông Côn.
Tập sách đã gửi gắm trong đó tâm huyết của hai nhà văn hóa là nhà thơ - nhà folklore Hà Giao và kỹ sư thủy lợi yêu văn hóa nghệ thuật Lê Trần Tỵ đã tìm tòi chắt lọc vốn văn hoá của quê hương tạo nên dáng vóc tập sách. Trong đó có nhiều bài với nhiều lời hát như Hát gặp gỡ, Hát giao lưu, Hát nhơn nghĩa, Hát nghịch, Hát trách yêu…
Những lời hát đằm thắm, ngọt ngào, thông minh, nhiều khi tinh nghịch, dí dỏm và độc đáo của kiểu hát đối đáp của bà con quê lúa vùng sơn cước hẳn sẽ càng làm thấm đượm thêm chất thuần phác, hiên ngang của xứ sở vùng thượng nguồn sông Côn xôn xao chạy tới cửa biển Quy Nhơn, xoắn xuýt tình yêu con người...
Vốn văn hóa đặc sắc của vùng đồng bằng ven Sông Côn ấy có nhiều loại hát hò như đã nêu ở trên. Nhân ngày xuân Giáp Thìn xin gửi tới bạn đọc một loại hò trong gần trăm bài hát hò là những câu “Hò bén duyên” mộc mạc nhưng cũng thật ngọt ngào đằm thắm. Chuyện về xuất xứ những câu hò bén duyên cũng được bà con Vĩnh Thạnh quê tôi kể một cách duyên dáng dí dỏm.
Bà con kể rằng: xưa kia có vị quan huyện thích hát hò. Nhưng chẳng lẽ quan hát hò một mình? Một hôm quan kinh lý làng Định Quang, giữa đường nghe thấy chị em đi cấy hát hò, giọng “hò hê” ngân lên hay quá. Quan bắt dừng kiệu, cột ngựa, ngoắt tay ra ý gọi mọi người và cất lên tiếng hát:
- Ớ hò là hê/ Con mèo con chó có lông/ Em nào đối đặng thì ông cho tiền…
Ngay lập tức một cô gái thả ống quần và tay áo xuống (ngày xưa đi cấy là quần xăn quá gối, vén tay áo khỏi cùi chỏ), bước lên bờ, ngả nón chào rất lễ phép và xin đối:
- Con lươn con lịch trơn tru/ Mà em có đối cũng như khoan hò/ Làm quan đi võng đi dù/ Có quân xách dép có phu xách giày/ Ra câu đối đắng lại cay/ Đây con đối đặng ngửa tay xin tiền…
Vị quan nọ nở một nụ cười rất mãn nguyện, và móc hầu bao thưởng cho cô gái món tiền rất hậu. Chưa kể còn có vài lần quan dò la hỏi thăm cô gái ấy…
Câu chuyện kể ra như cái tích của “hò bén duyên”. Thật ra “cô gái” trong câu chuyện đâu phải là một con người cụ thể nào, mà chính là sự hóa thân của chị em phụ nữ nông thôn, những người sẵn trong tim đã có dòng máu nghệ thuật, thích ca hát, gặp dịp vui là hát hò hê vang cả xóm làng. Dưới đây là một điển hình:
Nữ: Gặp anh cha chả là mừng/ Tưởng như lúa trổ nửa chừng gặp mưa/ Gặp anh tròn bóng đang trưa/ Rưng rưng nước mắt, tay đưa miếng trầu/
Nam: Anh với em thương thì đã chắc/ Có đất trời cắt tóc thề nguyền/ Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng anh vẫn đứng như kiềng ba chân/ Trăm năm không bỏ nghĩa em/ Dù cho phú quý không thèm nơi mô.
BÙI THỊ XUÂN MAI