Bảo vệ môi trường từ những mô hình tự quản
Thời gian qua, chính quyền các xã, thị trấn và ban, ngành, đoàn thể huyện Vĩnh Thạnh triển khai hiệu quả nhiều mô hình tự quản về môi trường. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân.
Hiện nay, tuyến đường từ cổng làng văn hóa Hà Ri dẫn vào khu vực suối Tà Má (thuộc làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp) rất khang trang, sạch sẽ. Tường rào, cổng ngõ của những căn nhà dọc hai bên đường đều đặn, thẳng tắp; cùng với cây xanh và hoa được người dân trồng ven đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Ông Đinh Thìn, Bí thư Chi bộ làng Hà Ri, chia sẻ: Trước kia, đường vào suối Tà Má - đoạn cuối làng Hà Ri có 19 hộ dân làm chuồng trại sát đường để nuôi nhốt bò. Quá trình chăn nuôi, bò thải chất thải gây ảnh hưởng môi trường khu dân cư.
Cuối năm 2022, qua tuyên truyền, vận động của xã, thôn, 19 hộ dân tự nguyện di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư, đưa vào khu vực ruộng và rẫy cách làng Hà Ri hơn 1 km để nuôi nhốt. Nhờ đó, môi trường, mỹ quan đường vào suối Tà Má được đảm bảo, góp phần phát triển điểm du lịch này.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết: Từ khi điểm du lịch suối Tà Má được hình thành, làng Hà Ri thường xuyên vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi làng. Đây là thành công lớn của làng, xã trong việc thay đổi thói quen, nhận thức của bà con về bảo vệ môi trường.
Từ khi điểm du lịch suối Tà Má được hình thành, làng Hà Ri thường xuyên vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, thu hút khách đến với điểm du lịch. Ảnh: C.L
Không riêng làng Hà Ri, nhiều thôn, làng thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng đã và đang triển khai hiệu quả các mô hình tự quản về môi trường. Điển hình xã Vĩnh Hòa có mô hình “bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng” tại thôn M6, M7 và M8. Hay mô hình “tường rào, cổng ngõ, hố rác gia đình” tại làng 1 và “đoạn đường xanh - sạch - đẹp” tại làng 4 (xã Vĩnh Thuận).
Bên cạnh đó, mô hình “hố rác gia đình, hố rác công cộng” tại thôn Thạnh Quang, Vĩnh Khương, Vĩnh Thọ, Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp) cũng được người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện. Còn mô hình “thu gom rác thải” tại thôn Định Tam và Định Nhất (xã Vĩnh Hảo); “xe thu gom rác thải” tại 5/5 thôn của xã Vĩnh Thịnh; “đoạn đường xanh - sạch - đẹp” tại thôn K2 (xã Vĩnh Sơn); “hố rác gia đình” tại làng Kon Trú (xã Vĩnh Kim) ngày càng phát huy hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đến nay, toàn huyện có 45 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên nông dân đối với công tác này.
“Trong sinh hoạt hằng ngày, người dân có ý thức phân loại rác thải; những loại rác hữu cơ được dùng để ủ phân, bón cho rau màu. Những loại rác không ủ phân được thì người dân đào hố trong vườn để chôn, không vứt bừa bãi ra môi trường. Trong chăn nuôi heo, nhiều hộ dân áp dụng mô hình hầm biogas tạo chất đốt; vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt”, bà Nguyên cho hay.
Ông Lý Hoài Nam, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Phòng TN&MT thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể trong huyện và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó, phong trào trồng cây xanh làm hàng rào, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và các tổ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường phát triển sâu, rộng, chuyển biến mạnh mẽ tại các địa phương. Qua đó, giúp từng hộ gia đình, cá nhân dần dần thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện ngày càng tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
CÔNG LUẬN