Hội bài chòi đặc biệt
Tối 24.2, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Ngô Mây (TP Quy Nhơn) tổ chức Hội thi Bài chòi dân gian lần thứ I năm 2024. Hội thi thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh, người dân và du khách đến xem, cổ vũ.
Các lớp thành lập 9 đội liên quân với gần 70 hiệu là học sinh lớp 6, 7, 8. Mỗi đội thực hiện hô, hát bài chòi dân gian tròn 1 hội, bao gồm các bước: Khai trường, khai hội, trình hiệu, trình thẻ, kiểm thẻ, hô mời, rút thẻ hô thai, hát kết dâng thưởng. Bên cạnh những câu thai quen thuộc, các đội đã sưu tầm một số câu thai mới, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS, đồng thời giới thiệu về du lịch Quy Nhơn - Bình Định, được thực hiện đầy đủ theo các trình thức của một Hội đánh Bài chòi dân gian.
Các đội thể hiện phần thi hô bài chòi. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Thầy Phạm Văn Phụng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Mây, cho biết: Hội thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phổ biến, lưu truyền những giá trị độc đáo của nghệ thuật bài chòi, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể ông cha để lại; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh nhà trường.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải cho các đội đạt thành tích cao, trao 2 giải thưởng cho 2 hiệu có phần thể hiện năng khiếu bài chòi xuất sắc nhất.
Vui mừng cùng với toàn đội đạt giải nhất hội thi, em Nguyễn Minh Quân, học sinh lớp 7A4, chia sẻ: Việc tập hát bài chòi không dễ nhưng em thấy rất thú vị và yêu thích.Tham gia hội thi giúp em có thêm trải nghiệm và cơ hội được tiếp cận nghệ thuật bài chòi của dân tộc.
Anh Châu Hồng Tâm, Phụ trách CLB Bài chòi dân gian TP Quy Nhơn - thành viên Ban giám khảo hội thi, nhận xét: Các đội tham gia đã chịu khó học hỏi, tiếp cận được cách thức tổ chức một hội đánh bài chòi dân gian. Nhìn chung, các hiệu nhí hô hát tương đối mạch lạc, biểu diễn dễ thương, thu hút người xem, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
NGUYỄN NGUYỆT