Vào vụ nuôi tôm nước lợ
Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2024 - vụ chính trong năm, đang khởi động. Người nuôi tôm trong tỉnh tất bật cải tạo ao nuôi, triển khai các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi, với mong muốn một vụ nuôi tôm mới thành công.
Thời điểm này, người nuôi tôm tại vùng nuôi tôm an toàn sinh học Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) bắt đầu cải tạo ao để chuẩn bị thả tôm vào giữa tháng 3.2024. Đang cắt cỏ dọn dẹp lại bờ ao rộng hơn 4.000 m2, anh Ngô Văn Hy, thành viên tổ cộng đồng nuôi tôm Đông Điền, cho biết: “Cắt cỏ xong, tôi xả nước ao để phơi đáy, sau khi lấy nước vào ao phải xử lý nước khoảng 10 ngày mới thả tôm nuôi. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vụ nuôi này tôi thả tôm mật độ thưa từ 30 - 40 con/m2, thả nuôi xen canh cá rô phi để làm sạch đáy ao”.
Người nuôi tôm trên cát ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) cải tạo ao, chuyển sang mô hình nuôi tổng hợp tôm, cá chình, ốc hương với hy vọng thu về hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cũng đang phơi đáy ao nuôi, anh Đoàn Văn Hậu, thành viên tổ nuôi tôm Đông Điền, cho biết: “Vùng nuôi tôm an toàn sinh học Đông Điền hiện có hơn 40 thành viên, tổng diện tích ao, hồ tôm hơn 25 ha. Trước khi vào vụ, tổ họp thống nhất thời gian cùng cải tạo ao, chọn mua tôm giống ở cơ sở uy tín, thả tôm nuôi cùng lúc theo lịch thời vụ. Trong quá trình nuôi, chúng tôi cùng nhau theo dõi, chia sẻ biện pháp chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh tôm để mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Tầm này người nuôi tôm tại vùng nuôi tôm trên cát dọc biển các xã Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) cũng tất bật cải tạo ao, khử trùng nguồn nước để thả tôm nuôi vào đầu tháng 3 tới. Anh Nguyễn Hữu Thứ, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, bộc bạch: “Vụ phụ nuôi tôm cuối năm 2023, nhiều ao tôm của tôi bị bệnh, không đạt hiệu quả. Sau tết Giáp Thìn, tôi cải tạo, lót bạt, khử khuẩn 4 ao nuôi tổng diện tích 6.000 m2; xây dựng thêm 2 ao lắng, 1 ao ương để chuẩn bị nuôi vụ mới, nuôi mật độ thưa 100 con/m2. Tôm giống mua về sẽ đưa vô ao ương để nuôi khoảng 15 ngày cho tôm quen môi trường nước, rồi mới sang qua ao nuôi thương phẩm”.
Gần đây, thành công từ mô hình nuôi tổng hợp/kết hợp nhiều loại thủy sản chứng tỏ hiệu quả rõ rệt, nhiều người nuôi tôm cũng chuyển sang mô hình nuôi tổng hợp/kết hợp tôm, cá, ốc hương. Anh Huỳnh Văn Nhật, ở thôn 4, xã Mỹ Thắng, cho biết: “Tôi có 6 ao nuôi với tổng diện tích hơn 7.000 m2, 1 ao lắng 1.500 m2. Trước đây tôi tập trung chuyên nuôi tôm, vụ này tôi cải tạo lại ao và chuyển sang nuôi tổng hợp/kết hợp tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá diêu hồng, chình mun. Hiện tôi đã thả nuôi 1 ao cá chình, 3 ao ốc hương, 1 ao cá diêu hồng. Ao còn lại tôi sẽ thả nuôi vào đầu tháng 3 tới, nuôi mật độ 70 con/m2 để tôm sinh trưởng, hạn chế dịch bệnh”.
Việc cải tạo ao nuôi là yếu tố quan trọng đầu tiên trong quy trình nuôi tôm nước lợ, nếu người nuôi cải tạo ao tốt, kết hợp các biện pháp xử lý nguồn nước đầu vào, chọn con giống tại các cơ sở có chứng nhận sẽ hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong vụ nuôi trước, giúp giảm rủi ro trong quá trình nuôi.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Vụ 1 năm nay, toàn huyện dự kiến sẽ thả nuôi khoảng 177 ha tôm; trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Cát Khánh, Cát Minh. Ngành nông nghiệp huyện đã cấp phát hơn 1,7 tấn chlorine để bà con nuôi tôm xử lý nước; đồng thời, hướng dẫn quy trình cải tạo ao nuôi, khuyến cáo nuôi tổng hợp xen canh tôm, cua, cá để quản lý dịch bệnh...”.
Theo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024 do Sở NN&PTNT ban hành, tôm nuôi vụ 1 sẽ thả giống từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3, tùy theo từng vùng nuôi. Ông Phạm Thanh Nhân, cán bộ phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản), cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 74,5 ha tôm. Chúng tôi cũng đã tiến hành 4 đợt quan trắc, kiểm tra các thông số môi trường vùng nuôi để đưa ra các giải pháp kỹ thuật khuyến cáo cho người nuôi tôm có kế hoạch điều chỉnh, quản lý vùng nuôi”.
“Bên cạnh các bệnh nguy hiểm thường xảy ra, như: Hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, tôm nuôi thường gặp một số bệnh phổ biến khác, như bệnh do vi bào tử trùng, phân trắng, đỏ thân... kết hợp với các yếu tố bất lợi của môi trường, thời tiết thay đổi có thể gây chết tôm với tỷ lệ rất cao. Do vậy, để giảm thiểu khả năng xảy ra dịch bệnh, Chi cục cũng đã đưa ra thông báo gửi ngành nông nghiệp các địa phương để phổ biến, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm”.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT)
ÐOÀN NGỌC NHUẬN