Thiết bị đào tạo nghề tự làm trở thành sản phẩm thương mại
Xuất phát là một mô hình đào tạo nghề tự làm, Bộ thiết bị điều khiển giám sát qua mạng internet sử dụng kết nối wifi và mạng dữ liệu di động (tác giả là Th.S Lương Thanh Long, giảng viên khoa Ðiện tử - Tin học, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) đã được phát triển thành một sản phẩm thương mại, từng bước có chỗ đứng trên thị trường.
Nghiên cứu, cải tiến
Theo giảng viên - Th.S Lương Thanh Long, bằng việc ứng dụng các công nghệ IoT (Internet of Things - Công nghệ Vạn vật kết nối Internet) để truyền - nhận các tín hiệu điều khiển giữa người sử dụng và thiết bị chấp hành dựa trên kết nối mạng wifi hoặc mạng dữ liệu di động, bộ thiết bị cho phép người dùng có thể điều khiển hoặc giám sát trạng thái làm việc của thiết bị từ xa theo thời gian thực mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý.
Mô hình phiên bản demo (bản dùng thử) của Bộ thiết bị điều khiển giám sát qua mạng internet sử dụng kết nối wifi và mạng dữ liệu di động được trưng bày, thu hút nhiều sự quan tâm tại Ngày hội khởi nghiệp, giới thiệu việc làm do Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào cuối năm 2023. Ảnh: N.M
5 năm trước, khoảng tháng 2.2018, sau khi xây dựng mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm dự thi cấp trường, cấp tỉnh, giảng viên Long nhận thấy những điểm nổi bật của thiết bị khi ứng dụng vào thực tiễn đời sống và bắt tay vào phát triển sản phẩm theo cả hai hướng: Thiết bị đào tạo và sản phẩm thương mại. Đầu năm 2020, sản phẩm được đưa ra thị trường và vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cấp cho đến hiện tại.
Theo anh Long, quá trình cải tiến, nâng cấp được tiến hành trên cả phần cứng và phần mềm với mục tiêu đạt được sự tối ưu nhất về kích thước vật lý, tính linh động trong sử dụng và giảm giá thành sản phẩm. Trong đó, anh nghiên cứu, tập trung vào 3 nội dung công việc chính: Thiết kế và hoàn thiện phần cứng, viết phần mềm nhúng, thiết lập máy chủ điều khiển.
“Việc chuyển đổi từ ý tưởng thành sản phẩm ứng dụng đòi hỏi sự hiểu biết trong nhu cầu thực tế của người dùng, bên cạnh đó đòi hỏi bản thân phải chấp nhận rủi ro và thất bại từ những lần thử nghiệm. Thời gian qua, thiết bị phải cạnh tranh với các sản phẩm giá thấp hơn đến từ Trung Quốc. Do vậy, để tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm sẽ phải liên tục được cải tiến về chất lượng và dịch vụ khách hàng, đa dạng hơn các biến thể sản phẩm để hướng đến sát hơn với các nhu cầu mang tính đặc thù và điều kiện sử dụng khác nhau”, anh Long chia sẻ.
Mở rộng phân phối, phát triển thiết bị đào tạo
Đối với phiên bản sản phẩm thương mại, sau hơn 3 năm có mặt trên thị trường, thông qua các kênh thương mại điện tử và giao dịch trực tiếp với khách hàng cũ, bộ thiết bị đã được phân phối ra nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, số lượng khách hàng tập trung nhiều tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Hà Nội, Bình Định và Lâm Đồng. Bên cạnh đối tượng khách hàng cá nhân, sản phẩm cũng đã có một số khách đã mua số lượng nhiều để phát triển các dự án riêng. Từ năm 2020 đến 2023, tác giả đã bán được 830 bộ thiết bị với tổng trị giá hơn 460 triệu đồng.
“Tôi luôn luôn mong muốn rằng những kinh nghiệm và kiến thức thu được từ quá trình phát triển sản phẩm thực tế sẽ liên tục được chia sẻ lại cho hoạt động đào tạo để quá trình học tập của sinh viên trở nên phong phú và hiệu quả hơn”, anh Long chia sẻ.
Từ tâm nguyện này, anh Long cùng với một số giảng viên khoa Điện tử - Tin học tiếp tục xây dựng các mô hình dạy học ứng dụng công nghệ IoT, cải tiến thiết bị đào tạo nghề tự làm các năm trước để mang đến cho người học thiết bị mới, tiện nghi và hiện đại hơn. Năm 2023, nhóm tác giả (gồm Th.S Trần Hiếu Nghĩa, Th.S Lê Tấn Hòa, Th.S Lương Thanh Long và kỹ sư Nguyễn Giang Long) đã hoàn thành thiết bị đào tạo nghề tự làm “Bàn thực hành lập trình điều khiển, giám sát từ xa”.
Thiết bị được lắp để điều khiển hệ thống chiếu sáng tại Khu đô thị Phú Cường (Rạch Giá, Kiên Giang). Ảnh: Khách hàng cung cấp
Mô hình “Bàn thực hành lập trình điều khiển, giám sát từ xa” sẽ được áp dụng vào đào tạo các mô đun về Lập trình vi điều khiển, Lập trình PLC cho sinh viên nghề Điện tử công nghiệp. Mô hình giúp trực quan hóa các hệ thống điều khiển và giám sát trong thực tế sản xuất. Qua đó, sinh viên có thể áp dụng kiến thức lập trình vào các tình huống thực tế, nắm vững cách thức hoạt động của các thiết bị điều khiển và hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất công nghiệp.
Đây là một sản phẩm của tập thể và đã đoạt giải nhì trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường năm 2023. Thiết bị cũng sẽ được tiếp tục hoàn thiện, phát triển để tham gia Hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm cấp trên trong thời gian tới.
NGUYỄN MUỘI