Nhiều giải pháp thuế chưa có tiền lệ hỗ trợ thu hút vốn đầu tư Hàn Quốc
Nhiều giải pháp thuế chưa có tiền lệ hỗ trợ doanh nghiệp, hút vốn đầu tư Hàn Quốc là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp Hàn Quốc diễn ra 29.2, tại Hà Nội.
Tính đến tháng 1.2024, Việt Nam đã thu hút được 9.891 dự án đầu tư, trong đó số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 8.058 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 28% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Hàn Quốc hiện là một trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, hàng năm, Bộ Tài chính đã xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến, liên quan đến các vấn đề phát sinh toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều giải pháp thuế chưa có tiền lệ hỗ trợ doanh nghiệp, hút vốn đầu tư Hàn Quốc
Những vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam yên tâm mở rộng sản xuất như: Hoàn thuế giá trị gia tăng, vướng mắc liên quan đến thủ tục, hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu về chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: “Nhiều giải pháp chưa có tiền lệ về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn. Cụ thể: Bộ Tài chính đã ban hành theo thầm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200.000 tỷ đồng/năm, trong đó, tập trung vào các giải pháp về gian hạn thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế”.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi YoungSam cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực xây dựng hệ thống thuế với cơ sở thuế rộng và thuế suất thấp, nhằm đảm bảo cơ sở thuế ổn định.
“Tôi tin rằng, việc tạo ra một nền sinh thái kinh tế ổn định trong đó có nhiều chủ thể kinh tế có thể hoạt động năng động là chìa khóa quan trọng nhất để đảm bảo cơ sở thuế rộng rãi, hay nói cách khác là đảm bảo nguồn thuế ổn định. Trong những năm gần đây, do môi trường thuế thay đổi nhanh chóng, các quy định pháp luật về thuế và thủ tục hành chính thuế cũng không ngừng biến đổi. Với ý nghĩa như vậy, tôi cho rằng việc tổ chức đối thoại thuế và hải quan ngày hôm nay có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sự kiện đối thoại thuế và Hải quan dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc được tổ chức liên tục từ năm 2008 cho đến nay và đã trở thành nơi giao lưu quý báu giữa các cơ quan thuế và hải quan của Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam” - ông Choi YoungSa nói.
Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc được giới chuyên gia kinh tế nhận định là đối tác tiềm năng trong chiến lược phát triển Việt Nam. 2 tháng đầu năm nay, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn, chiếm gần 26%.
Để chủ động ứng phó với việc triển khai Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu trong khung khổ Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để áp dụng từ đầu năm 2024 này.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, số hóa toàn diện, đồng bộ trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Theo Phạm Hạnh (VOV1)