Tháng Giêng đi lễ chùa Ông Núi
Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Bình Ðịnh thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt vào dịp Lễ giỗ Hòa thượng Thích Viên Minh (trụ trì chùa lúc sơ khai), diễn ra ngày 24 - 25 tháng Giêng (năm nay nhằm ngày 4 - 5.3). Hằng năm, rất đông người dân và khách thập phương đến hành hương, dâng lễ cúng dường chư Phật cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới.
Viếng chùa hành lễ
Chùa Ông Núi (tên chữ Linh Phong Thiền Tự) tọa lạc lưng chừng đỉnh Chóp Vung trên dãy núi Bà, ở khu phố Phương Phi, thị trấn Cát Tiến. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép về ngôi chùa này như sau: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm Biển Cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh cũng đẹp. Tương truyền xưa có chùa Dũng Tuyền, năm Nhâm Ngọ Hiển Tông thứ 11 (tức năm Lê Chinh Hòa thứ 33 - năm 1702) do thầy chùa là Lê Ban (tục gọi Ông Núi) dựng. Năm Quý Sửu Túc Tông thứ 8 (tức năm Lê Long Đức thứ 2 - năm 1733) sắc phong là Tĩnh giác Thiện trì Đại lão ông thiền sư, lại ban cho biển ngạch và câu đối. Năm Minh Mạng thứ 10 (năm 1829) cho lấy bạc kho để trùng tu chùa”.
Người dân, du khách đi lễ chùa Ông Núi dịp rằm tháng Giêng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dù chưa đến ngày giỗ, nhưng rằm tháng Giêng đã có rất đông khách thập phương về chùa Ông Núi hành hương, cúng dường chư Phật.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi, ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) hiện đang sinh sống ở Cộng hòa Ba Lan, cùng bạn trai Ziemowit Skorzewski viếng chùa, lễ Phật. Chị Nhi vui vẻ cho biết, chị từng đến chùa Ông Núi nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên đến viếng chùa, lễ Phật dịp rằm tháng Giêng, nhà chùa cũng đang chuẩn bị cho lễ giỗ.
Còn anh Ziemowit Skorzewski chia sẻ: “Tôi thấy rất thú vị khi lần đầu tiên đến Việt Nam nói chung, cũng như đến Bình Định trải nghiệm, tham quan một ngôi chùa cổ kính. Tôi có tìm hiểu về chùa Ông Núi trên mạng, nhưng khi đặt chân đến chùa, mọi thứ khiến tôi thật ngỡ ngàng và ấn tượng. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi có rất nhiều cảnh đẹp. Đến chùa, tôi hiểu thêm về văn hóa tâm linh của người Việt”.
Thành tâm đảnh lễ, cúng dường chư Phật cầu mong năm mới an lạc, mọi điều tốt đẹp. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhiều khách thập phương cũng đến chùa lễ Phật, cầu nguyện cho gia đạo an lành trong năm mới. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), chia sẻ: “Chùa Ông Núi rất linh thiêng, hầu như năm nào tôi cũng về chùa Ông Núi lễ Phật dịp rằm tháng Giêng, rồi đến lễ giỗ cũng về chùa dâng hương cầu nguyện mong một năm an lạc, gặp nhiều may mắn cho bản thân và gia đình. Tôi thấy năm nay cảnh sắc chùa được trang trí mới mẻ, đẹp hơn, dù có rất đông người viếng chùa nhưng ai cũng giữ sự tĩnh lặng, tôn nghiêm nơi Phật môn”.
Tổ chức lễ giỗ trang nghiêm
Lễ giỗ chùa Ông Núi tổ chức hằng năm đón hàng nghìn lượt khách thập phương trong và ngoài tỉnh về hành hương. Để đảm bảo lễ giỗ diễn ra trang nghiêm, văn minh, Đại đức Thích Quảng Nghiêm, Trụ trì chùa Ông Núi, chia sẻ: “Năm nay, nhà chùa xây mới 2 khu nhà bếp để nấu ăn; chuẩn bị 4 tấn gạo, hơn 5 tấn cải xanh, 2 tấn bí… để nấu hàng nghìn suất cơm chay phục vụ khách thập phương về chùa hành hương, thụ lộc ngày giỗ. Để lễ giỗ diễn ra văn minh, nhà chùa cũng bố trí thêm nhiều thùng rác, lắp các bảng tuyên truyền du khách hạn chế việc thắp hương, bỏ rác vào thùng để giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan”.
Du khách chụp ảnh lưu niệm ở chùa Ông Núi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Phù Cát về đảm bảo Lễ giỗ chùa Ông Núi được diễn ra theo phong tục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng văn hóa của nhân dân cũng như khách thập phương, thị trấn Cát Tiến đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, ANTT, PCCC…
Ông Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cát Tiến, cho biết: “Đảng ủy thị trấn triển khai cho các hội, đoàn thể phối hợp chính quyền dọn vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt thị trấn sáng, xanh, sạch đẹp đón khách về dự lễ giỗ. Cùng với đó, bố trí lực lượng trực tại các chốt để hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông tránh ùn tắc, tăng cường công tác PCCC, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Địa phương cũng đã kiểm tra và ký cam kết đối với chủ các nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ phục vụ du khách bán đúng giá niêm yết công khai”.
Theo đánh giá của Thanh tra Sở VH&TT, vài năm trở lại đây, Lễ giỗ chùa Ông Núi thu hút rất đông người dân và khách thập phương đến tham dự, mọi hoạt động đều diễn ra an toàn, văn minh, phù hợp với văn hóa truyền thống.
Ông Bùi Xuân Lý, Chánh Thanh tra Sở VH&TT, cho biết: “Thanh tra Sở đã có kế hoạch phối hợp cùng Phòng VH-TT huyện Phù Cát, chính quyền địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa Lễ giỗ chùa Ông Núi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn xin, bán sách xem bói toán… ”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN