BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Quy Nhơn của cha tôi, của tôi và của…
Cha tôi là một cựu chiến binh, ông hay tâm sự rằng, ông theo cách mạng là vì đất nước, vì tương lai dân tộc Việt Nam tươi sáng hơn, tất nhiên trong đó có quê hương Bình Ðịnh, và đặc biệt là Quy Nhơn. Suốt đời ông nung nấu, tận hiến vì sự nghiệp này và đến giờ khi nhìn ngắm quê hương, ông luôn hạnh phúc vì đã lựa chọn, quyết định đúng.
1. Chiều muộn, tôi đưa cha tôi, người cựu binh già dạo một vòng quanh thành phố. Nhìn ngắm phố xá, sinh hoạt, mua bán ông vui hẳn lên, luôn miệng trầm trồ, Quy Nhơn mình đẹp quá, Quy Nhơn mình vui quá! Hàng trăm lần như thế, đôi khi mới đi hôm trước hôm sau lại dạo phố, ông vẫn vui như trẻ thơ khi nhìn ngắm quê hương.
Xe chạy chậm trên cung đường Nguyễn Tất Thành, kính xe hạ chút để cha tôi đón được không khí trời chiều mát mà không làm cho ông bị ho nhiều. Lần theo ký ức của ông, đường Nguyễn Tất Thành, vốn xưa là sân bay Quy Nhơn, nơi mà sau giải phóng có 2 đường băng bỏ hoang và trở thành nơi dân chài phơi mắm cá, tép, mì lát và... đổ rác, nay đã là con đường rộng thênh thang với nhiều công trình đẹp, xen lẫn nhiều bãi cỏ rộng, mặt cỏ phẳng mịn, mơn mởn xanh, tạo nên những khoảng lặng bình yên, dịu mát tâm hồn. Đoạn cuối đường băng sân bay ngày xưa với tục danh đầy ám ảnh - “eo nín thở”, nay là nơi ngắm bình minh, đón hoàng hôn với không khí trong lành và góc nhìn tuyệt đẹp.
Những khi có đám con cháu cùng đi, không lần nào ông quên giảng giải cho chúng biết rằng Quy Nhơn của ông đáng yêu thế nào, Quy Nhơn của đám cha mày đây - ông trỏ vào tôi - đẹp, vui như thế nào, rồi đến các cháu, các cháu phải làm sao để Quy Nhơn đáng yêu, đẹp vui và thêm sang lên… Trái với bình thường, đám cháu rất khoái nghe ông chúng… huyên thuyên. Chúng tấm tắc, ông xứng đáng nhận một huy chương vì tình yêu Quy Nhơn!
2. Xe rẽ vòng xoay, đường Xuân Diệu nhìn từ xa trông lộng lẫy vô cùng từ sắc màu của những ánh đèn khi màn đêm buông xuống, con đường mang dáng hình trăng khuyết với nét cong uyển chuyển và mềm mại. Cậu con trai tôi thích thú reo lên khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh nắng chiều buông xuống trên biển. Sau tiếng ho ngắt quãng, uống ngụm nước, chỉ về phía xa bãi biển, ông chậm rãi nói với cháu trai rằng nơi đây từng có chiếc xe tăng của quân đội Sài Gòn bị bỏ lại trong cuộc tháo chạy hỗn loạn vào tháng 3.1975. Chắc chắn cháu sẽ được học trong các giờ lịch sử sau này. Hay bắt đầu từ đoạn này là khu xóm Nhà Rầm, đó là những ngôi nhà cất trên mặt nước, có sàn bằng gỗ, khi đi trên đó có tiếng kêu “rầm, rầm”, khách mà ghé thăm như lạc chân vào một mê cung... và bốc lên đủ loại mùi nồng nặc, nay nhường chỗ cho bãi biển sạch đẹp và bãi cát trải dài phục vụ nhu cầu vui chơi, tắm biển của mọi người dân.
Khu 1, Khu 2 lụp xụp, hỗn tạp ngày xưa, giờ đã nhường chỗ cho những khu dân cư mới, những công trình hạ tầng quy mô, hiện đại. Ảnh: NGUYỄN MINH THỌ
Có nằm mơ cũng không thể hình dung chỉ trong vòng mươi năm thôi, Quy Nhơn đã “lột xác” như thế nào. Khu 1, Khu 2 lụp xụp, nhếch nhác, nổi tiếng hỗn tạp giờ trở thành tâm điểm của một thành phố muốn vươn lên với du lịch biển.
Cha ơi, mình sang tham quan cầu Thị Nại nhé! Ông mỉm cười, khẽ gật đầu. Xe lại rẽ đường Trần Hưng Đạo, thẳng tiến về phía cầu. Gió biển thổi mát rượi, con trai tôi lại reo lên khi bắt gặp những ánh đèn trên cầu phản chiếu xuống mặt nước tạo nên những vệt sáng lấp lánh. Có lẽ hoàng hôn buông xuống là thời điểm cầu Thị Nại mang vẻ đẹp lung linh nhất, cầu như một dải lụa vắt ngang qua làn nước lấp lánh trong khoảng không bao la, thoáng đãng, tạo khung cảnh say đắm, nao lòng.
Xe nhẹ bon và cha con, ông cháu tôi lặng yên tận hưởng vẻ đẹp sông nước, trời cao, đầm sâu, biển rộng, núi xanh và cả phố xá chập chùng chỉ từ một vị trí - thử hỏi có bao nhiêu vị trí như thế ở đất nước mình, đặt được câu hỏi này thôi, bạn sẽ thêm yêu Quy Nhơn. Chắc chắn thế mà không nhất thiết phải có câu trả lời!
3. Cha tôi rất hay kể về đất và người Quy Nhơn. Từ lời kể, từ ánh mắt tự hào của người cựu binh già đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh, một người đã cùng lớp lớp thế hệ hy sinh xương máu, dâng hiến tuổi trẻ cho mảnh đất này, từ nỗi tự hào, vui mừng nhiều khi hồn nhiên, trong vắt tôi đo được sự đổi thay diệu kỳ của Quy Nhơn. Niềm vui và tự hào của ông rất giản dị, ví dụ ông rất hãnh diện khi chính quyền bố trí khu đất vàng dọc đường Nguyễn Tất Thành để làm công viên, trồng cây xanh, làm thảm cỏ cho người dân thư giãn. Cha tôi hay trang trọng nói, cha và các bác, các chú… khi đi theo cách mạng đã thề một lòng vì dân vì nước… Nay thấy quê hương yên vui, bà con được thong thả làm ăn, lòng ai cũng hết sức hạnh phúc; lời thề của cha và đồng chí đã thành hiện thực.
Tôi thỉnh thoảng lướt các trang web về du lịch, đọc bình luận của các du khách từng ghé thăm Quy Nhơn thấy đều có chung nhận xét: Quy Nhơn đẹp, yên bình, trong lành, người dân giàu lòng mến khách, thân thiện, món ăn ngon. Vâng. Tôi rất thích.
Nhưng tôi còn yêu Quy Nhơn theo cách của riêng tôi. Tôi yêu Quy Nhơn theo mạch đổi thay của thành phố, sự đổi thay, phát triển của thành phố vẫn giữ được nét hồn nhiên, tươi trẻ, bình yên; ánh mắt, nụ cười, giọng nói thân thiện tỏa chút vị mặn khét nắng của các mẹ, các chị, các em khi phục vụ các món ăn địa phương cho du khách. Tôi yêu nét bình dị, dễ mến của anh chị lao công sau đêm dài vất vả để thành phố được sạch, xanh và bình minh của thành phố là hình ảnh các cụ già tíu tít cười nói vui vẻ, tiếng bước chân chạy nhịp nhàng của các bạn trẻ, khắp thành phố đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những nhóm người say sưa tập thể dục, chơi các môn thể thao, nô đùa với sóng biển.
Dự án tái định cư những xóm nhà ven Bàu Sen đã biến khu vực này thành một công viên sinh thái, rợp bóng cây, nước hồ trong xanh… mở ra một cảnh quan đô thị mới mẻ để người dân đến thưởng ngoạn. Hay như việc giải tỏa xóm Nhà Rầm đã trả lại một bãi biển đẹp quyến rũ cho người dân thành phố và du khách ghé thăm.
Những xóm nhà nhếch nhác ven Bàu Sen xưa, bây giờ là công viên sinh thái, rợp bóng cây, nước hồ trong xanh. Ảnh: BÁ PHÙNG
Điều tuyệt vời là cư dân xóm Bàu Sen, xóm Nhà Rầm đã có cuộc sống tốt đẹp hơn khi chuyển đến nơi ở mới. Hay như cây cầu Thị Nại nối liền thành phố với bán đảo Phương Mai, đánh thức miền đất ngủ quên, giúp lưu chuyển hàng hóa, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, tăng thu nhập từ du lịch cho cư dân các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Hội.
Quy Nhơn, ngoài điểm đến của du khách như rất nhiều nơi khác nay đang có cơ hội trở thành “thành phố giáo dục - khoa học công nghệ” trong tương lai khi thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đến đầu tư ở Quy Hòa, Long Vân, Nhơn Hội… Đây là hướng phát triển bền vững, lâu dài cho thành phố; là lợi thế và đặc trưng mà khó có địa phương nào khác trên cả nước có được.
***
Sự tiếp nối từ quá khứ - hiện tại - tương lai là mạch nguồn của sự phát triển, của sự sống. Mỗi sớm mai tôi vẫn thường chạy bộ, hòa mình vào những con phố rợp bóng cây xanh, được thấy thành phố rạng rỡ và đổi thay tích cực, chợt dâng lên trong lòng một niềm biết ơn sâu sắc với những thế hệ đi trước, những người con của thành phố đã không tiếc tuổi xuân ngã xuống cho hòa bình, cho thành phố hôm nay. Tôi cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa ngày càng thêm tin, thêm hy vọng về tương lai một thành phố trẻ năng động, tràn đầy sức sống, luôn vươn mình phát triển lên tầm vóc mới như cha tôi vẫn kỳ vọng - Quy Nhơn của cha tôi, của tôi, của mọi người và của mai sau sẽ luôn đáng yêu, đẹp vui và hiện đại!
LÊ THÀNH NAM