Người dẫn dắt phong trào luyện tập taolu
Không chỉ giành được nhiều thành công tại các giải võ cổ truyền quốc gia, Trịnh Văn Lưu (SN 1989, quê huyện Hoài Ân, VÐV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh) còn là người dẫn dắt phong trào taolu phát triển.
Trịnh Văn Lưu tham gia tập luyện võ thuật tại lớp võ phong trào của võ sư Trần Quý Ba tại quê nhà Hoài Ân khi là học sinh lớp 6. Với tinh thần chăm chỉ luyện tập, anh bộc lộ khả năng và được thầy đưa tham gia thi đấu tại một số giải cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2007, anh được tuyển chọn vào đội tuyển của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định.
Trịnh Văn Lưu hướng dẫn VĐV tập luyện môn Wushu tại SVĐ Quy Nhơn. Ảnh: KIỀU VY
Năm 2008, Trịnh Văn Lưu tham gia Giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 18 và giành tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Đến nay, anh đã sở hữu 26 HCV, 24 HCB, 13 HCĐ ở nhiều giải đấu như: Liên hoan Tinh hoa Võ Việt quốc tế, Giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc, Giải Vô địch cúp các CLB Võ cổ truyền toàn quốc, Giải Vô địch Wushu Quốc gia 2023, đặc biệt là tấm HCĐ tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.
Trịnh Văn Lưu chia sẻ, điều may mắn nhất trong đời VĐV của anh là chỉ trong vòng 1 tháng tiếp cận với môn Wushu, anh đã giành được HCĐ đầu tiên ở nội dung Thái cực kiếm Trần gia nam tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.
Sau nhiều thành công ở nội dung quyền thuật môn võ cổ truyền, năm 2022, được lãnh đạo Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định giao nhiệm vụ tiên phong tham gia Đại hội thể thao toàn quốc ở nội dung taolu (phần biểu diễn của môn võ wushu), Trịnh Văn Lưu đã chọn bài “Thái cực” - bài được cho là khó nhất của taolu. Vậy mà chàng trai Hoài Ân đã tạo nên bất ngờ khi giành được tấm HCĐ quý giá ở nội dung thi đấu đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện và độ chính xác rất cao. Đây cũng là VĐV Bình Định đầu tiên giành huy chương nội dung taolu ở một kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc.
Lưu chia sẻ: “Trước khi Đại hội diễn ra 2 tuần, tôi được thầy Lê Công Bút đưa ra Hà Nội tập huấn. Thời gian tuy có gấp rút nhưng tôi được học hỏi nhiều điều, được các HLV chỉnh sửa những động tác chưa chuẩn và hoàn thiện bài thi. Đây là khoảng thời gian tôi cho rằng may mắn nhưng cũng đầy thử thách trong sự nghiệp VĐV của mình”.
Nói về sự khác biệt giữa 2 phần biểu diễn võ thuật của võ cổ truyền và wushu, Văn Lưu cho biết: Với võ cổ truyền Việt Nam, khi biểu diễn quyền hoặc binh khí VĐV phải dùng lực bên ngoài nhiều, động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Còn với taolu, người tập phải dùng lực và phải cảm nhận từ bên trong, động tác mềm dẻo. Do đó, tôi phải nỗ lực hết sức để tiếp nhận cái mới.
Hiện nay, cùng với việc phổ biến taolu, Trịnh Văn Lưu còn trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn 10 VĐV trẻ hướng đến những thành tích cao ở đấu trường quốc gia trong tương lai.
Đến thăm lớp tập luyện Wushu do anh hướng dẫn tại SVĐ Quy Nhơn vào một buổi chiều, các VĐV nhí được anh yêu cầu tập trung cao độ, chuyên tâm tập luyện các động tác cơ bản. Em Nguyễn Ngọc Lan Thanh, lớp 5, Trường TH Ngô Mây, chia sẻ: Khi tiếp xúc với môn Wushu em thấy rất khó thực hiện các động tác, nhưng nhờ có sự hướng dẫn tận tình của thầy, em thấy thích thú hơn và cố gắng thực hiện bài tập.
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Trịnh Văn Lưu, Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, nhận xét: Lưu là một VĐV xuất sắc của tỉnh, là một người rất đam mê võ thuật, luôn nghiên cứu, tìm tòi, chịu khó hỏi học và hăng say tập luyện nghiêm túc. Đối với các buổi tập tại Trung tâm, Lưu chưa từng vắng buổi nào. Chính tài năng và sự chăm chỉ theo đuổi võ thuật đã giúp Lưu gặt hái được nhiều thành công và được phong kiện tướng quốc gia môn Wushu năm 2023.
KIỀU VY