Vào mùa ốc ruốc, ai ơi…
Những ai được sinh ra ở miền Trung chắc hẳn không xa lạ với ốc ruốc - một đặc sản thời vụ của biển. Loài ốc này vốn có nhiều tên gọi, tại Bình Ðịnh, dân xứ Nẫu gọi là ốc ruốc - có lẽ vì nó nhỏ và nhiều như con ruốc. Tháng Giêng khi thứ gió không quá lạnh nhưng lại vừa đủ lộng giăng dài trên khắp vùng ven biển, ven đầm là thời điểm vào mùa, ốc ruốc nhiều vô kể.
Đã từ lâu, ốc ruốc len lỏi vào các con phố, trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người mỗi khi buôn chuyện hoặc tụ tập bạn bè. Thời điểm này, ở nhiều đường phố Quy Nhơn, các gánh ốc ruốc mưu sinh của các mẹ, các bà lại càng đông khách. Người mua ốc về lể, khèo… bao giờ cũng rủ rê, í ới thêm dăm ba người bạn nữa cùng túm tụm.
Bà Võ Thị Xuân Hương (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đã gắn bó với gánh ốc ruốc được 15 năm nay, nhiều khách hàng quen thường gọi với cái tên thân thuộc là ốc dì Tư. Chỉ cần nhắc đến một địa chỉ bán ốc ruốc ngon, nhiều người lại kháo nhau đến gánh ốc dì Tư tại ngã ba Xuân Thủy - Hoàng Văn Thụ (phường Quang Trung).
Gánh ốc ruốc của bà Võ Thị Xuân Hương (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) là điểm hẹn quen thuộc của nhiều người ưa thức quà giản dị này. Ảnh: X.Q
“Nhờ có mối nên tôi có hàng để bán quanh năm. Thế nhưng thời điểm này khách hàng thường ghé mua nhiều nhất, vì đang vào mùa ốc ruốc nên con nào cũng to, mẩy và béo nhất. Khách hàng mỗi lần thường mua vài ba lon, có người ngày nào cũng mua”, bà Hương kể.
Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, vào mùa ốc ruốc, nhiều sinh viên, chị em phụ nữ nội trợ còn tranh thủ chế biến ốc tại nhà và bán online. Đây được xem là nghề thời vụ mang lại khoản thu nhập khá, góp phần trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Hơn nữa, con ốc ruốc còn gợi lại trong ký ức nhiều người những kỷ niệm khó quên.
Bạn Nguyễn Thị Ngân Giang (SV Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết, nhờ công việc bán ốc ruốc online, Giang có thêm chút thu nhập, mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Những ngày cuối tuần đẹp trời, Giang chạy xe hơn 20 km đến biển Nhơn Lý tự cào ốc, tiết kiệm được thêm một khoản vốn phải bỏ ra.
“Ngày xưa, tôi thường dùng vỏ ốc ruốc để khảm tranh vì vỏ ốc rất đẹp, có nhiều màu sắc. Bán ốc ruốc online đối với tôi vừa có thêm thu nhập, vừa gợi nhớ lại những kỷ niệm thuở nhỏ thường hay làm tranh bằng vỏ ốc để tặng bạn bè”, Ngân tâm sự.
Để đến tay được khách hàng, những người làm nghề cào ốc ruốc phải dậy từ rất sớm. Đây là công việc khá vất vả vì người cào phải có sức bền, khi cào ốc không được cào quá nông mà phải dùng lực ấn mạnh xuống cát mới có thể cào được nhiều ốc nhất. Những ngày biển động, những người đàn ông có sức khỏe phải hụp sâu trong làn nước biển lạnh giá để cào.
Bà Trần Thị Sáu (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) gắn bó với công việc cào ốc ruốc hơn 10 năm nay. Ảnh: X.Q
Anh Nguyễn Văn Thao (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) chia sẻ đã theo cha cào ốc ruốc từ nhiều năm nay. Khoảng thời gian ra Giêng đến tháng Tư âm lịch là thời điểm nhiều người đổ về các vùng biển để cào ốc. Để tiết kiệm thời gian, hai cha con anh sẽ cùng dùng một cái cào. Một người kéo, một người giũ cát khỏi lưới chắn để giảm bớt sức nặng và lọc ra những con ốc. Cứ mỗi lần phối hợp di chuyển có thể cào đến 3 kg ốc.
Để cào được nhiều ốc, cha con anh Thao phải dùng lực để cào sâu dưới lớp cát. Ảnh: X.Q
“Những mẻ ốc khi kéo về sẽ được ngâm rửa, sơ chế sạch sẽ trước khi giao cho các tiểu thương. Mỗi tiểu thương thu mua đến gần 20 kg ốc để về chế biến, đem ra các ngả đường để bán. Công việc này tuy vất vả, nhưng đó là nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình chúng tôi”, anh Thao kể.
XUÂN QUỲNH