Ý thức - cội rễ của văn hóa giao thông
Va chạm giao thông, chưa cần biết đúng sai đã sẵn sàng lao vào nhau hành xử theo kiểu côn đồ. Những hình ảnh ấy vừa gây bức xúc dư luận vừa đáng xấu hổ cho một lối ứng xử tùy tiện, bất chấp luật pháp và giới hạn đạo đức.
Dẫu không phủ nhận, những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông ở nước ta đang có xu hướng giảm sâu. Nhưng nếu nhìn lại hình ảnh những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong những ngày nghỉ Tết và du xuân vừa qua, cướp đi sinh mạng của nhiều người, khiến hàng trăm người bị thương thì quả thật vẫn đầy ám ảnh và xót thương.
Đành rằng cũng có người biện minh tỷ lệ tai nạn giao thông còn cao, một phần là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân…Nhưng thiết nghĩ, hạ tầng, phương tiện có được đầu tư, nâng cấp, cải tạo tốt đến mấy đi nữa mà người tham gia giao thông không có ý thức thức thượng tôn pháp luật thì tai nạn vẫn cứ xảy ra, những nỗi đau mất mát về con người vẫn thương tâm, nhức nhối…
Hình ảnh 2 nam thanh niên tiếp cận chiếc VinFast Fadil trước khi đánh người. Ảnh: Cắt từ video
Con số thống kê của cơ quan chức năng chỉ ra rằng, có tới gần 90% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông là do ý thức người tham gia giao thông, cũng là minh chứng cho điều đó.
Thực tế, có nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam đã từng ví von, tham gia giao thông ở Việt Nam không khác gì một một trò chơi phiêu lưu, mạo hiểm, hay "một cuộc chiến sinh tồn trên phố"…
Nghe thì cứ tưởng hài hước nhưng ngẫm ra lại thấy chua chát và càng không thể chối cãi…khi ở nhiều tuyến phố, chuyện vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lấn làn, lạng lách, đánh võng, tạt đầu, leo vỉa hè…đã trở thành "câu chuyện thường ngày" của một bộ phận người dân…Thậm chí không ít người phải thốt lên rằng "nếu có kỷ lục Guinness ghi nhận về số người vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông ở một quốc gia, có lẽ Việt Nam nắm chắc phần thắng". Tính vô kỷ luật, vô ý thức ấy, đã và đang khiến cho bộ mặt giao thông nước ta ngày càng méo mó, xấu xí hơn.
Càng đáng ngại và đáng lên án hơn, khi vì sự vô ý thức ấy không may gây ra va chạm giao thông dù rất nhỏ cũng sẵn sàng lao vào nhau hành xử theo kiểu côn đồ, hung hãn, thậm chí có cả những vụ hành hung người nước ngoài.
Không ít người đã phải đối mặt với vòng lao lý, trả giá đắt cho việc hành xử thiếu kiềm chế và bốc đồng của bản thân, nhưng xem ra vẫn chưa trở thành bài học đắt giá cho nhiều người.
Ngay như đầu tháng 2 năm nay, một nam thanh niên điều khiển ô tô va chạm với xe buýt. Khi đến điểm dừng đường Hoàng Quốc Việt, chưa cần biết đúng, sai đã cầm 2 con dao quắm đứng trước đầu xe buýt chửi bới, đe dọa và chém vào kính chắn gió, lốp xe phía trước gây thiệt hại 18 triệu đồng. Cũng ngay sau đó, 2 nam thanh niên đi xe SH, lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường cấm xe máy) lạng lách tạt đầu xe ô tô, đập vào xe của người phụ nữ rồi chửi bới. Chưa dừng lại đó, 2 nam thanh niên còn chặn đầu, gây gổ với 2 người đàn ông đi trên xe ô tô khác dẫn đến vụ xô xát trên đường.
Những hình ảnh vừa gây bức xúc dư luận cũng vừa thật đáng xấu hổ cho một lối ứng xử tùy tiện, vô văn hóa, bất chấp luật pháp và giới hạn đạo đức.
Ở một khía cạnh nào đó, để lý giải cho những hành vi này, nhiều người cho rằng đó là vì thiếu hiểu biết pháp luật khiến họ cho mình có quyền phán xét người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ phải đối mặt. Nhưng ngẫm sâu xa thì nó vẫn là câu chuyện ý thức kém cùng những thói quen xấu của một bộ phận người Việt khi tham gia giao thông.
Nhìn sang các nước láng giềng như Nhật Bản, Singapore và nhiều quốc gia khác, cũng đất chật, người đông nhưng ý thức chấp hành luật pháp, văn hóa giao thông của người dân họ thật đáng ngưỡng mộ. Từ đi lại đến cách hành xử đều tuân thủ đúng luật và luôn hướng đến nét đẹp văn hóa, nhường nhịn. Có thể Việt Nam chưa theo nước bạn được tất cả, nhưng ý thức là điều đầu tiên ta phải học vì đó là cội rễ để xây dựng văn hóa giao thông.
Theo Thanh Hương (VOV2)