Hàng nghìn người dân đi lễ chùa Ông Núi
Ngày 4.3 (tức 24 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) diễn ra lễ hội chùa Ông Núi. Rất đông người dân và du khách thập phương đến hành hương dâng lễ trong buổi sáng ngày đầu tiên.
Chùa Ông Núi (còn gọi là Linh Phong thiền tự) có lịch sử hơn 300 năm, tọa lạc lưng chừng đỉnh Chóp Vung trên dãy núi Bà, ở khu phố Phương Phi, thị trấn Cát Tiến. Theo sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ 1702, có một người tên gọi Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên là chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.
Hàng năm, vào ngày 24 - 25 tháng giêng âm lịch, hàng nghìn người dân, du khách, phật tử đến chùa để dâng hương, cầu phúc. Lễ hội chùa Ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa. Ngày đầu lễ giỗ, đoạn đường dẫn lên chùa chật kín, hàng nghìn người dân từ khắp mọi nơi, ai cũng cố gắng vượt qua những bậc đá gập ghềnh để được vào chùa thắp nén nhang, cầu an và tham quan cảnh đẹp của chùa.
Để lễ giỗ được tổ chức chu đáo, nhà chùa đã trang trí thêm nhiều đèn lồng, tiểu cảnh nhằm tạo cảnh quan đẹp, đồng thời xây mới 2 khu nhà bếp để nấu ăn, chuẩn bị 4 tấn gạo, cùng nhiều loại rau, củ quả như cải xanh, bí đỏ, cà chua… nấu hàng nghìn suất cơm chay phục vụ khách thập phương về chùa hành hương.
Chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Định, với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, không gian thoáng mát, nhiều cây xanh, hang sâu, nơi đây từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
PHAN TUẤN (thực hiện)