Báo Trung Quốc đánh giá cao thành tựu chuyển đổi số của Việt Nam
Tờ Nhân dân Nhật báo (People Daily) - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đăng bài viết có nhan đề "Việt Nam tích cực thúc đẩy chuyển đổi số", khẳng định hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những thành quả chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua.
Bài viết dẫn Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2023 của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và trở thành hướng đi mới trong hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.
Tác giả bài viết nhận định, thương mại điện tử là động lực chính trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam, với mức tăng trưởng 11% trong năm 2023 và dự kiến bình quân đạt 22%/năm cho đến năm 2025; quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2022 đạt 148 tỷ USD, trong đó giá trị giao dịch hàng hóa qua kênh số khoảng 23 tỷ USD, tăng trưởng 28%.
Việt Nam đang dần hoàn thiện việc xây dựng mạng lưới viễn thông di động số, với việc thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G có nhiệm vụ tập trung rà soát hệ thống pháp lý để thúc đẩy phát triển, đánh giá và thử nghiệm thiết bị 6G. Trong lĩnh vực chính phủ số, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, với việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, cập nhật nhiều nội dung liên quan lộ trình tổng thể, nền tảng định danh và xác thực điện tử, trung tâm dữ liệu quốc gia...
Bài viết dẫn ý kiến phỏng vấn giáo sư Wu Chongbo của Viện Quan hệ quốc tế thuộc Trường đại học Hạ Môn cho biết, kinh tế số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phong phú trên các lĩnh vực xây dựng mạng viễn thông di động, thương mại điện tử, thanh toán di động và chính phủ số, cho thấy hiệu quả của quá trình phát triển và chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đề ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm tăng cường xây dựng hạ tầng, kích thích tiến trình số hóa nền kinh tế. So các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tích cực hơn trong thúc đẩy kinh tế số. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế số, Việt Nam có thể tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp, thúc đẩy chuỗi ngành nghề chuyển đổi từ phân khúc thấp lên phân khúc giữa và cao, nâng cao chất lượng và tầng nấc chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Bài viết đánh giá, Việt Nam hết sức coi trọng vai trò quan trọng của tiến trình chuyển đổi số đối với việc hiện đại hóa nền kinh tế, nhờ đó có thể tăng tốc bước vào kỷ nguyên số. Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thông tin-truyền thông, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, nhằm tối ưu hóa nguồn lực số trong khu vực.
Giáo sư Wu Chongbo cho rằng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số có thể giúp tích hợp và tận dụng hiệu quả lợi thế và nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của hai nước trong chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng khu vực và trên thế giới, từ đó thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi ngành nghề của các quốc gia khác trong khu vực.
“Trung Quốc và Việt Nam đang thúc đẩy kết nối khuôn khổ Con đường Tơ lụa số và “Hai hành lang, một vành đai”, hai bên còn nhiều dư địa rộng lớn trong các lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng số ở khu vực…”, Giáo sư Wu Chongbo cho biết.
“So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tích cực hơn trong thúc đẩy kinh tế số. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế số, Việt Nam có thể tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp, thúc đẩy chuỗi ngành nghề chuyển đổi từ phân khúc thấp lên phân khúc giữa và cao, nâng cao chất lượng và tầng nấc chuỗi cung ứng của Việt Nam”.
Giáo sư Wu Chongbo, Viện Quan hệ quốc tế thuộc Trường đại học Hạ Môn
Theo HỮU HƯNG (NDO)