BÀI DỰ THI “BÌNH ĐỊNH - ĐẤT VÀ NGƯỜI”
Sư phạm Quy Nhơn & những điều không cũ
Nói đến Quy Nhơn, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố của biển, của cảng lâu đời, đến tháp Chàm, đến nghệ thuật hát bội và làn điệu bài chòi. Riêng tôi và rất nhiều bạn bè xứ Nẫu - Phú Yên, hình ảnh liên tưởng đầu tiên về Quy Nhơn là Trường Sư phạm Quy Nhơn. Theo thời gian, tôi càng tin chắc, không phải tình cờ, ngẫu nhiên mà người ta lại đặt ngôi trường chuyên đào tạo Người Thầy ở đây.
Dù cùng dân Nẫu, nhưng tôi không phải là người Quy Nhơn - Bình Định. Tuy nhiên, Quy Nhơn luôn hiển hiện trong tôi với những kỷ niệm đẹp đẽ nhứt từ tuổi thanh niên cho tới tận bây giờ dù đã rất nhiều năm trôi qua.
1. Năm 1974 tôi đậu tú tài, rồi đậu tiếp vào Trường Sư phạm Quy Nhơn, khóa XIII (1974 - 1976). Từ Trường Trung học Tổng hợp Nguyễn Huệ - Tuy Hòa với không gian không lấy gì gọi là lớn, chàng trai trẻ là tôi ngày ấy bước chân vào ngôi trường sư phạm danh giá bậc nhất khu vực Đông Nam Á, ngày ấy đã được hai tổ chức lớn của LHQ là UNESSCO, UNICEF - ghi danh, đó là những căn cứ để trường có thể tiếp cận được nhiều chương trình trợ giúp quốc tế.
Trường Sư phạm Quy Nhơn những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Ảnh tư liệu của NLĐ
Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Trường Sư phạm Quy Nhơn là cơ sở đào tạo cấp quốc gia, chuyên đào tạo ngạch giáo học bổ túc cho giáo sinh các tỉnh khu vực duyên hải và cao nguyên trung phần (Tây Nguyên ngày nay) từ Quảng Trị tới Bình Thuận. Ngoài ra, trường còn đảm trách việc tu nghiệp cho giáo viên miền Trung trong mỗi đợt hè và nghiên cứu về giáo dục.
Có thể nói, chính từ Trường Sư phạm Quy Nhơn, hình ảnh của đất và người Quy Nhơn lan tỏa khắp cả nước từ khi trường xuất hiện cho tới tận ngày nay. Những ngày đầu nhập học, bước chân còn vương màu phèn của tôi đã choáng ngợp trước không gian rộng lớn từ hai dãy lầu giảng đường, các phòng học âm nhạc, hội họa, tạo tác học cụ, khu vực TDTT và hai tòa nhà nội trú 3 tầng dành riêng cho nam và nữ với 800 chỗ ở dành riêng cho giáo sinh. Kết nối tất cả các khu vực là những hành lang trải dài có mái che mưa nắng.
So với các trường đại học ngày nay, có thể không gian 3 ha của Trường ngày ấy không lớn. Nhưng thời đó, nhứt là trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, việc đầu tư xây dựng một trường sư phạm quy mô như vậy ở Quy Nhơn, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, là điều rất đáng để cho Quy Nhơn, Bình Định tự hào. Theo tư liệu, việc chọn Quy Nhơn giữa rất nhiều tỉnh thành ứng viên để xây dựng trường được những người có trách nhiệm bàn luận rất kỹ. Cuối cùng họ chọn Quy Nhơn. Vì Quy Nhơn là trung tâm của các đô thị miền Trung và cao nguyên Trung phần, thuận tiện cho đi lại của giáo sinh trong khu vực. Và trong sâu xa thì đây còn là nơi trầm tích nhiều nền văn hóa, là mảnh đất mà sự học có thể dễ dàng bén rễ và tỏa lan cành nhánh tri thức khắp mọi miền đất nước. Nói cách khác, thật ngắn gọn, Quy Nhơn là Đất Học. Đó cũng là lý do vì sao ở đầu bài tôi khẳng định, “không phải tình cờ, ngẫu nhiên mà người ta lại đặt ngôi trường chuyên đào tạo Người Thầy ở đây”.
Còn nhớ, thầy Trần Đức Mẫn, Hiệu trưởng nhà trường, đã dạy chúng tôi: “Có những lời người khác nói được, nhưng nhà giáo không được nói. Có những bộ y phục người khác mặc được, nhưng nhà giáo không được mặc. Có những nơi người khác đến được, nhưng nhà giáo không được đến”. Mãi sau này mới hiểu được lời thầy dạy, muốn có sản phẩm tốt, cần phải bắt đầu từ một cái khuôn thật tốt. Tương lai đất nước phải bắt đầu từ giáo dục. Tương lai giáo dục phải bắt đầu từ triết lý giáo dục và từ những nhà giáo mẫu mực và trung trực.
Ấn tượng về Quy Nhơn trong tôi luôn chan hòa sông núi, đầm biển, con người, cảnh trí và với lời thầy tôi dặn. Ấn tượng đó thật đẹp đẽ!
2. Hồi tôi thi vô trường, sau phần thi viết là thi vấn đáp. Nghe các anh chị khóa trước kể, đa số thí sinh bị rớt đều trong phần thi vấn đáp. Nên tôi tìm gặp các anh chị khóa trước để học hỏi kinh nghiệm. Các anh chị đều khuyên, trong phần thi vấn đáp, điều gì biết chắc thì trả lời, nếu không biết thì cứ trung thực trả lời điều này em không biết.
Hôm vào thi vấn đáp, giám khảo hỏi tôi “Anh từ đâu đến dự thi?”. Tôi trả lời “Thưa thầy, từ Tuy Hòa”. Hỏi “Từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn, anh đi qua bao nhiêu cây cầu?”. Tôi ngớ người một lúc, rồi trả lời “Thưa thầy em không nhớ hết”. Lại hỏi “Anh đã qua cổng vào trường để coi số báo danh và phòng thi, anh có nhớ cái nền của biển cổng trường sơn màu gì không?”. Tôi lại lúng túng rồi đáp “Thưa thầy, em không nhớ”. Câu cuối trong phần thi vấn đáp, giám khảo hỏi “Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, anh thích câu gì nhất, hãy viết câu đó lên bảng”. Nhẹ cả người vì đã chuẩn bị, tôi nắn nót viết trên bảng câu “Còn duyên anh cưới ba heo. Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”. Viết xong, tôi lén nhìn mặt vị giám khảo thấy ông cười.
Tôi còn chút xíu hy vọng mong manh. Vì trong 3 câu vấn đáp, tôi đã trớt quớt 2 câu rồi. Sau này, nhận tin mình đã đậu, tôi nghĩ miết không hiểu vì sao mình đậu, khi 3 câu vấn đáp mình đã bí đến 2 câu. Rồi chợt nghĩ ra à, mình đậu vì sự trung thực. Vì không ai đào tạo một người thầy thiếu trung thực. Thầy thiếu trung thực sẽ tạo nên một thế hệ thiếu trung thực. Một thế hệ thiếu trung thực sẽ tạo nên một đất nước thiếu trung thực. Một đất nước thiếu trung thực không bao giờ là một đất nước phát triển.
3. Trường học và Quy Nhơn đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Quy Nhơn là xứ sở vô cùng dễ sống, không phải chỉ vì tôi cũng là dân Nẫu nên ăn uống, giao tiếp, đi đâu cũng cứ có cảm giác gần gũi như đang ở giữa quê nhà. Ở đây cư dân vô cùng thân thiện, ứng xử với nhau chân thành, thật thà. Cứ đi chợ Khu 6 là hiểu người Quy Nhơn ngay. Riêng tôi khi mua rau sống về ăn lại thấy rau sống ở đây có chút khác. Rau lúc nào cũng trộn bắp chuối xắt lát, lá bông vạn thọ, lá đinh lăng và lá bồng sàng (thì là). Lúc đầu ăn thấy hôi quá nên lặt bỏ, sau ăn thử thấy mùi là lạ thơm thơm, ăn riết rồi quen, rồi thành mùi Quy Nhơn để nhớ miết tới giờ.
Lâu lâu cuối tuần, lại rủ mấy thằng bạn cùng tự thết cho mình một bữa cơm phần thịnh soạn ở tiệm cơm bà Lâm Huế ở Bến xe Quy Nhơn. Tôi ghiền quán bà Lâm Huế với hai món đặc biệt là thịt kho tàu và thịt ba chỉ luộc chấm mắm cá thu. Dù sau này có dịp đi nhiều, ăn nhiều nơi, nhưng hai món này không đâu sánh bằng.
Thời ấy ban đêm ở Khu 6, nơi tôi trọ học vắng vẻ lắm. Xa nhà. Buồn. Chẳng biết làm gì, đi xuống phố thì xa, mấy thằng chung nhà trọ rủ nhau bách bộ xuống biển, gần eo Nín Thở ngắm trăng. Gió biển thổi bờ lồng lồng. Sóng loang loáng trăng đêm khuya khoắt. Cũng bờ bãi khuya khoắt này, Trịnh Công Sơn đã “gọi bờ cát trắng đêm khuya” trong một Biển Nhớ làm cho Quy Nhơn nổi tiếng từ trong nước đến hải ngoại. Quy Nhơn đã tạo đà cho anh Trịnh Công Sơn như thế, còn chúng tôi cũng vì được nương nhờ Quy Nhơn mà có thể nhẹ bước trên đường tương lai.
Trường ĐH Quy Nhơn hôm nay là một cơ sở đào tạo đa ngành, là địa chỉ đáng tin cậy, có thương hiệu trong xã hội. Ảnh: QNU
Sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - giáo sinh Khóa 1 Trường Sư phạm Quy Nhơn, người đã làm cho Quy Nhơn bàng bạc trong nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của mình - còn có gần 7.000 giáo sinh Sư phạm Quy Nhơn của thời ấy, cũng như của ĐH Quy Nhơn sau này, đã mang danh tiếng Quy Nhơn đi khắp đất nước và ra đến nước ngoài cho tới tận ngày nay. Rất nhiều tài năng đã được ươm mầm, nuôi dưỡng ở Quy Nhơn. Và giờ đây, được biết trong định hướng phát triển Quy Nhơn, bên cạnh phát triển du lịch, tỉnh Bình Định còn đầu tư để Quy Nhơn trở thành thành phố khoa học công nghệ, đô thị sáng tạo trong tương lai, tôi vững tin rằng Quy Nhơn sẽ lại tạo thêm nhiều điều để nhớ, để trở lại và để tin yêu.
***
Vậy đó bạn thân mến, rõ ràng bạn đã tin điều tôi viết là có lý rồi chứ - Quy Nhơn là Đất Học, không phải tình cờ, ngẫu nhiên mà người ta lại đặt ngôi trường chuyên đào tạo Người Thầy ở đây!
NGUYỄN LẠC ĐẠO