Chuyện về bảo vật quốc gia Tượng Phật lồi
Tượng Phật lồi hiện đang thờ tự tại chùa Linh Sơn, ở thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) là tượng thần Shiva - một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa, có niên đại thế kỷ XV, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2018. Pho tượng này gắn với nhiều câu chuyện huyền tích trong dân gian.
Huyền tích Phật lồi
Cách nay hơn 200 năm, những người họ Huỳnh ở làng biển Hải Giang trong lúc làm ruộng, gặp hôm trời mưa đã phát hiện một pho tượng xuất lộ từ dưới lòng đất có hình dáng giống Phật đang ngồi thiền. Người dân địa phương đã xây một ngôi chùa lấy tên chữ là chùa Linh Phong để thờ pho tượng này. Do pho tượng trồi lên từ lòng đất, người dân gọi là Phật lồi, vì thế tên chùa Phật lồi cũng gắn liền từ đây.
Tượng Phật lồi được tạc trong tư thế một tu sĩ đang ngồi thiền. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trước đây, chùa Phật lồi nằm trên lưng chừng chân núi Hòn Mai (một trong những ngọn núi thuộc bán đảo Phương Mai - điểm cuối cùng của dãy núi Triều Châu) ở làng chài Hải Giang. Phía sau chùa là đồi núi, trước mặt là biển cả mênh mông, dưới chân chùa còn có một bàu nước ngọt rất lớn dù nắng hạn đến mấy cũng chưa bao giờ cạn nước.
Trong sách Nước non Bình Định, tác giả Quách Tấn ghi chép về chùa Phật lồi như sau: “Dưới chân núi Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Tượng này được người dân địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài lao xanh, một hôm tự nhiên biến mất, nhân dân tìm mãi không thấy. Sau nghe người dân Phương Mai được tượng Phật, bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình, mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà dỡ lên không nổi, đành phải cúng lại cho người dân Phương Mai thờ tự”.
Có nhiều câu chuyện truyền miệng mang màu sắc huyền bí xoay quanh tượng và thực tế thì người dân Hải Giang tin rằng pho tượng rất linh thiêng, phù hộ cho cả làng chài bình yên, mùa màng bội thu, tai ương, bệnh tật tiêu trừ.
Lưu giữ bảo vật
Năm 2011, người dân làng biển Hải Giang di dời đến tái định cư tại khu tái định cư Nhơn Phước (thuộc xã Nhơn Hội), xây dựng lại chùa Linh Sơn thờ tự tượng Phật lồi. Từ xưa đến nay người dân Hải Giang, cũng như người dân Nhơn Hải có tục xin bùa Phật lồi vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm.
Khách thập phương chiêm bái, thỉnh bùa Phật lồi tại chùa Linh Sơn dịp rằm tháng Giêng năm nay. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhắc về tục lệ xin bùa Phật lồi, sách Nước non Bình Định miêu tả: “Những năm có bệnh dịch, bệnh tả, thì tượng Phật tự nhiên đổ mồ hôi. Người dân địa phương lấy son thoa nơi lưng Phật, lấy giấy vàng in những hàng chữ bùa, đem về dán nơi nhà. Người có bệnh lành bệnh, người không bệnh tránh khỏi bệnh”.
Ông Trần Văn Hùng, người dân Hải Giang hiện ở xã Nhơn Hội là phật tử phụ trách việc phát bùa Phật lồi, cho biết: “Sau lưng pho tượng Phật lồi có 12 dòng chữ Champa, quét lớp chu sa lên lưng tượng và dùng giấy vàng để rập in thành những lá bùa, bà con đến dâng hương cúng niệm Phật lồi và thỉnh bùa. Trước đây chỉ có người dân Nhơn Hải và Hải Giang thỉnh bùa, nay nhiều khách thập phương cũng đến chùa thỉnh bùa để cầu mong bình an, gặp nhiều may mắn trong năm mới”.
Thật ra tượng Phật lồi ở chùa Linh Sơn chính là tượng thần Shiva - một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa bằng đá sa thạch, thuộc phong cách nghệ thuật tháp Mẫm, có niên đại thế kỷ XV.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cho biết: “Tượng chân dung Shiva ở Hải Giang là tượng duy nhất hiện biết ở Bình Định, tượng được thể hiện gắn với minh văn sau lưng là một loại hình hiếm thấy trong điêu khắc Champa. Đây là một di sản quý hiếm cần được bảo tồn, nghiên cứu, nhận diện và xác định giá trị lịch sử”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (bìa phải) và ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh (bìa trái) đo đạc lại kích thước các tảng đá có khắc chữ Champa tại hang Bà Giăng trong chuyến điền dã vào tháng 7.2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngoài tượng Phật lồi, ở Hải Giang hiện nay còn có hang Bà Giăng nằm gần bãi biển, có những gộp đá khắc nhiều dòng chữ Champa cổ với nét chữ khắc vuông.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Arlo Griffiths (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) đã đọc được minh văn 12 dòng chữ Champa cổ khắc trên bia ký sau lưng tượng Phật lồi, biên tập và dịch ra tiếng Anh. Bản dịch ra tiếng Việt và giải thích ý nghĩa do PGS.TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cung cấp. Nội dung minh văn khẳng định đây là tượng thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Cùng với việc vận động nhà chùa bảo vệ bảo vật quốc gia tượng Phật lồi, Bảo tàng tỉnh cũng đã đưa vào danh mục kiểm kê di tích đối với các gộp đá có khắc chữ Champa cổ tại hang Bà Giăng ở Hải Giang để bảo vệ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN