Bàn cách gỡ khó cho xuất khẩu gỗ
Để thực hiện mục tiêu năm 2024 giá trị gỗ và lâm sản gỗ đạt trên 15 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng các hiệp hội và DN ngành gỗ cần có những giải pháp căn cơ trong công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối sản phẩm theo chuỗi… Các bộ, ngành thông tin kịp thời những thay đổi về các quy định để tránh rủi ro cho DN…
Chiều nay (9.3), tại TP Quy Nhơn, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh Bình Định, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập và Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo chủ trì hội nghị.
Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024 diễn ra chiều 9.3 tại TP Quy Nhơn.
Thách thức ngày càng gia tăng từ các thị trường lớn
Thông tin đáng chú ý từ Bộ NN&PTNT tại hội nghị cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2023 đạt 14,47 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022. Sụ sụt giảm này diễn ra ở hầu hết thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam, như: Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, giảm 14,67%; Trung Quốc 1,85 tỷ USD, giảm 14,5%; Nhật Bản 1,82 tỷ USD, giảm 7,5%; EU 0,45 tỷ USD, giảm 38,2%; Hàn Quốc 0,86 tỷ USD, giảm 18,8%.
Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) dự báo năm 2024 có thêm thách thức khi một số thị trường chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Cục Lâm nghiệp chỉ ra 6 nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu lâm sản năm qua sụt giảm, không đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra. Đó là:
(1) Lạm phát tăng cao (trên 8%) tại một số quốc gia xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU nên chính phủ các nước ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó các sản phẩm chế biến từ gỗ.
(2) Xung đột địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN như chi phí logistics, giá gỗ nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào đều tăng.
(3) Chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho sản phẩm sản xuất trong nước; chính sách phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp, điển hình là các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá ván dán, tủ bếp và bàn trang điểm của Hoa Kỳ. Do đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại sản phẩm gỗ và lâm sản của nước ta.
(4) Giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn năm 2023; giá viên nén gỗ giảm mạnh từ 180 USD/tấn xuống còn 100 USD/tấn.
(5) Khó khăn trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách trong nước, điển hình là việc hoàn thuế GTGT gặp nhiều khó khăn và chậm hoàn thuế, do mất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc giấy tờ liên quan theo quy định của Bộ Tài chính, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn đầu tư vào sản xuất của các DN.
(6) Một số làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như việc chuyển đổi sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp.
Cục Lâm nghiệp cho hay, năm 2024 sẽ còn thêm thách thức với nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại tiếp tục phức tạp. Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho rằng một trong những giải pháp trọng tâm năm 2024 của ngành gỗ là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ SFC và sản phẩm giảm phát thải…
Đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng và trồng rừng gỗ lớn
Phân tích thêm về thách thức ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu, Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho hay, các DN Việt Nam đang cạnh tranh ngày càng gay gắt khi các thị trường lớn có những quy định bảo hộ mạnh mẽ cho sản phẩm gỗ sản xuất trong nước của họ, đồng thời áp nhiều quy định chặt chẽ kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng cao và khắt khe.
Dẫn chứng là quy định của EU về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện tốt Hiệp định VPA/FLEGT. Thị trường Đức áp dụng nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam với yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý phát thải… Thị trường Nhật Bản yêu cầu 100% sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ rừng bền vững (SFC)… Các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp, tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều.
Hội nghị giao ban nhằm thông tin tình hình và bàn cách gỡ khó cho DN ngành gỗ cả nước và xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2024 của ngành gỗ là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ SFC và sản phẩm giảm phát thải… “Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần cập nhật thông tin và hướng dẫn cụ thể cho các hiệp hội, DN ngành gỗ trong nước nhằm đáp ứng được các yêu cầu về thị trường xuất khẩu, giảm tác động tiêu cực từ quy định của các thị trường, nhất là thị trường lớn gây ra. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã quan tâm cấp chứng SFC, tuy nhiên cần mạnh mẽ hơn nữa; cùng với đó xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững thông qua cơ chế phối hợp với các đơn vị có diện tích rừng trồng lớn. Bởi, hiện các thị trường lớn của xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đều đặt ra quy định chặt chẽ về gỗ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cấp chứng chỉ SFC”, ông Lập đề nghị.
Bên cạnh đó, các DN ngành gỗ còn phải đối diện với những khó khăn khác như chi phí logistics, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, các quy định về PCCC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…
Nhấn mạnh đến vấn đề gỗ rừng trồng, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, đề xuất cần có nhiều chương trình khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, phát triển trồng rừng bền vững theo chứng chỉ của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, sản phẩm sản xuất từ gỗ có chứng chỉ SFC thì giá trị sẽ được tăng 10 - 15%. Đây là một thông tin rất đáng chú ý mà các DN ngành gỗ trong nước phải quan tâm để chủ động liên kết với người trồng rừng theo chuỗi sản xuất; chú trọng đầu tư, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 diễn ra từ ngày 9 - 12.3 là kênh xúc tiến thương mại cần thiết để thu hút thêm các khách hàng quốc tế đến với DN gỗ Việt Nam.
Hỗ trợ thông tin và hướng dẫn cho DN ngành gỗ
Tại giao ban, Cục Lâm nghiệp, VIFOREST, cùng đại diện nhiều hiệp hội, DN ngành gỗ địa phương kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam; nghị định quy định về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Các đại biểu đến từ hiệp hội ngành gỗ kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam và nghị định quy định về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Đồng thời, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của ngành gỗ, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của các DN vươn lên vượt khó. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần sự đồng hành, hỗ trợ, tiếp sức, tạo thêm lực từ các cơ quan Nhà nước. Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan trong tháo gỡ khó khăn cho DN ngành gỗ, nhất là các vấn đề về tín dụng, hoàn thuế GTGT, giải quyết những bất cập trong thực tiễn sản xuất liên quan đến cơ chế, chính sách…
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa nêu khó khăn và kiến nghị về rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất ngành gỗ.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành với các hiệp hội, DN ngành gỗ. Đồng thời, đề nghị các hiệp hội, DN cần đoàn kết, cùng chia sẻ thông tin để vượt qua thời điểm khó khăn, tránh các rủi ro; linh hoạt, chủ động hơn và thích ứng với những khó khăn hiện nay.
Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới, các hiệp hội và DN cần nâng cao giá trị sản phẩm, tích hợp đầy đủ các giá trị chế biến sản phẩm bằng cách chủ động kết nối với người trồng rừng có chứng chỉ SFC, sản xuất theo chuỗi…
Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng DN sản xuất, tích cực triển khai những giải pháp để mở rộng kết nối thị trường.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) thông tin tại hội nghị giao ban.
“Thời gian qua, VIFOREST và hiệp hội các địa phương đã tổ chức nhiều hội chợ triển lãm trong ngành gỗ để giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị ngành gỗ, phụ kiện… nhằm kết nối và thu hút các khách hàng quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đầu năm nay là Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2024 tại TP Hồ Chí Minh và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) đang diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đều nghị các hiệp hội và DN cần nâng cao giá trị sản phẩm, tích hợp đầy đủ các giá trị chế biến sản phẩm bằng cách chủ động kết nối với người trồng rừng có chứng chỉ SFC, sản xuất theo chuỗi…; đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng DN sản xuất, tích cực triển khai những giải pháp để mở rộng kết nối thị trường.
Với những kiến nghị về cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho hay, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP để trình Chính phủ. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT nắm bắt, xử lý những vấn đề khó khăn của DN ngành gỗ; tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ SFC; kiểm soát và quản lý chặt chẽ nhập khẩu, đảm bảo gỗ có nguồn gốc hợp pháp trước khi chế biến, khuyến khích sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng sản xuất trong nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
MAI HOÀNG - HẢI YẾN - NGUYỄN DŨNG