Chứng nhận FSC CoC: Hành trang thiết yếu của doanh nghiệp ngành gỗ
(BĐ) - Chiều ngày 10.3, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế đồ gỗ phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) đã diễn ra Hội thảo Chứng nhận FSC CoC: Hành trang thiết yếu của DN ngành gỗ.
Hội thảo do Tổ chức Đánh giá chứng nhận uy tín hàng đầu tại Việt Nam KNA CERT phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) tổ chức.
Ông Phạm Đình Sức, Chuyên gia đánh giá KNA CERT trình bày các dịch vụ của KNA CERT tại hội thảo. Ảnh: HẢI YẾN
Tại hội thảo, các chuyên gia giới thiệu về các chương trình và dịch vụ của KNA CERT như: Cập nhật các yêu cầu đặc biệt cho ngành gỗ nội thất, viên nén...; loại bỏ nguy cơ khai báo sai dẫn đến bị đình chỉ/thu hồi chứng nhận; giải đáp các vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối gỗ và sản phẩm từ gỗ cùng chuyên gia; học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với các DN trong ngành…
Các chuyên gia hướng dẫn các DN xây dựng và vận hành hệ thống quản lý FSC đáp ứng mức độ hiệu suất cao nhất trong bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, đạo đức, an toàn và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Duy Khánh, Trưởng phòng Marketing, phân tích và đánh giá thị trường KNA CERT, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 5.400 DN đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Số DN tại Việt Nam có chứng chỉ FSC CoC tính đến 1.12.2023 là 1.654 DN.
Theo VIFOREST, Việt Nam có hai nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC phục vụ ngành chế biến gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa gồm nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và từ rừng trồng trong nước. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC chiếm tỷ lệ nhỏ. Năm 2022, Việt Nam nhập 66,61 triệu USD cho gỗ FSC trong số 3 tỷ USD nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 2,2%.
Theo ông Phạm Đình Sức, chuyên gia đánh giá của KNA CERT, những năm gần đây diện tích rừng ở Việt Nam có chứng chỉ FSC đang tăng lên. Hội đồng Quản lý rừng FSC tính đến hết tháng 12.2023 diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam. Các sản phẩm FSC chủ yếu tập trung đồ nội thất, viên nén và bột giấy. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng liên quan về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC đang tác động lên toàn bộ chuỗi cung.
Hiện nay, tại một số quốc gia phát triển trên thế giới, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ ra thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, để các sản phẩm gỗ Việt Nam có vị thế trên thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường lớn thì cần phải thay đổi ngay từ lúc này. Ngành gỗ đang hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam.
FSC là viết tắt tên của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế và cũng là một loại chứng chỉ rừng do chính hội đồng này quản lý. Chứng chỉ FSC nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Hiện nay, có 2 loại chứng nhận FSC đang được các tổ chức chứng nhận cấp như sau:
1. Chứng nhận FM (Forest Management) Certificate - còn gọi là Chứng nhận Quản lý rừng: Là chứng nhận cấp cho một hoặc các khu rừng xác định đã tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường, cộng đồng, xã hội và kinh tế.
2. Chứng nhận CoC (Chain of Custody Certificate) - còn gọi là Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm: Là chứng nhận cấp cho các tổ chức đã chứng minh được các sản phẩm gỗ giao dịch từ các nguồn gốc đã được cấp chứng nhận, các sản phẩm này có thể sử dụng nhãn FSC và dấu chứng nhận của Tổ chức chứng nhận (bên thứ 3).
HẢI YẾN