Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh: Lá cờ đầu của hệ thống
Hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Vĩnh Thạnh đã lan tỏa đến 59 thôn, làng của 9/9 xã, thị trấn, dư nợ và chất lượng tín dụng ngày càng tăng. Ðặc biệt, nhiều năm liền, Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh là đơn vị duy nhất của hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh không có nợ quá hạn.
Theo ông Huỳnh Đức Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, giúp bà con vay vốn tín dụng chính sách (TDCS) và phát huy nguồn vốn vay là một quá trình dài.
Nhiều hộ dân đến điểm giao dịch xã Vĩnh Hiệp để vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: T.SỸ
Hơn 10 năm trước, khi huyện chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp cùng ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vay vốn TDCS để đầu tư phát triển kinh tế, bà con hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, vì lo sợ làm ăn không hiệu quả, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã… bỏ tiền vay vào ống tre, cất trên gác bếp. Sau đó, bà con lấy tiền ra hoàn trả lại cho ngân hàng.
Ngay sau khi phát hiện vấn đề này, UBND huyện đã tổ chức cuộc họp đánh giá lại hoạt động TDCS trên địa bàn, đồng thời triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Hằng năm, cùng với nguồn vốn của ngân hàng, UBND huyện đã trích ngân sách ủy thác cho ngân hàng để giải quyết cho người dân vay vốn ưu đãi; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, mời bà con đến dự. Không dừng lại ở đó, ngành chức năng, hội, đoàn thể đã đến từng hộ dân tư vấn, hỗ trợ bà con xây dựng phương án phát triển kinh tế phù hợp; lựa chọn và đưa các loại cây, con giống có tiềm năng, năng suất cao, có thị trường tiêu thụ thuận lợi vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế theo phương thức cầm tay chỉ việc.
“Cách làm này được chúng tôi duy trì trong một thời gian dài, người dân thấy rõ được lợi ích của việc vay vốn TDCS, nên đã mạnh dạn vay và biết cách phát huy nguồn vốn vay, trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, tích lũy được vốn để tái đầu tư”, ông Huỳnh Đức Bảo cho hay.
Năm 2016, được các hội, đoàn thể tại địa phương và Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh tư vấn hướng dẫn, chị Đinh Thị Hách (thôn Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo) đã vay vốn TDCS để đầu tư trồng keo và mua bò giống về thả nuôi. Sau đó, gia đình chị nhiều lần vay thêm vốn để mở rộng diện tích keo, trồng điều và tăng quy mô đàn bò; vay vốn xây dựng nhà ở và công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, thu nhập tăng cao. Vợ chồng chị tích góp tiền để đầu tư xây nhà mới, lo cho các con ăn học chu đáo và đầu tư phát triển kinh tế, khoảng 4 năm sau gia đình chị đã thoát nghèo. “Hiện gia đình tôi có 4 ha keo, 9 sào mì, 1 ha điều, 3 sào chuối và đàn bò 8 con, thu nhập ổn định, có việc làm thường xuyên. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh”, chị Hách chia sẻ.
Để chuyển tải nhanh nguồn vốn TDCS đến với nhiều người dân hơn, Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với các hội, đoàn thể thành lập thêm nhiều tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, làng để hỗ trợ người dân hoàn tất các thủ tục vay vốn. Việc hình thành các điểm giao dịch xã và chuyển giao TDCS tại các địa phương cũng giúp người dân giảm bớt thời gian đi lại và nhanh chóng vay được vốn để đầu tư phát triển kinh tế.
Hiện hoạt động TDCS đã lan tỏa đến 59 thôn, làng của 9/9 xã, thị trấn và đang phát huy hiệu quả tích cực. Ngay cả làng O2, xã Vĩnh Kim - làng xa nhất, đi lại khó khăn nhất tỉnh, cũng đã thành lập tổ TK&VV, có 22/54 hộ dân vay 645 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Ngân hàng đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ, động viên tổ trưởng tổ TK&VV tại các thôn, làng tham gia theo dõi, quản lý nguồn vốn vay TDCS, thu lãi vay…; tổ TK&VV đã trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng. Nhờ đó, dư nợ và chất lượng tín dụng ngày càng tăng.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Thị Lương Nguyệt cho biết: “Tổng dư nợ TDCS tại huyện Vĩnh Thạnh đến ngày 31.12.2023 đạt 450,33 tỷ đồng, tăng 58,402 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Nguồn vốn nói trên đã đến tay 5.642 hộ dân, giúp bà con đầu tư phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm”.
Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đánh giá: Hoạt động trên địa bàn miền núi với điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhưng Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, nhiều năm liền Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh là đơn vị duy nhất của hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh không có nợ quá hạn, trở thành lá cờ đầu của hệ thống.
PHẠM TIẾN SỸ