Rộn ràng mùa biển mới ở Quảng Ngãi và Bình Định
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngư dân vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi,Bình Định bước vào mùa đánh bắt hải sản với nhiều hy vọng. Ở các làng chài ven biển, tục lệ truyền thống cúng tế lễ, thờ thần Nam Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ ra quân đánh bắt hải sản… được ngư dân miền trung tổ chức trước chuyến khơi xa dài ngày đến các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Tàu thuyền ngư dân vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất hành đánh bắt khơi xa.
Những ngày qua, tại các bến cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, tỉnh Bình Định, ngư dân đã trúng đậm nhiều loại hải sản gần bờ. Theo các ngư dân ở TP Quy Nhơn, mùa đánh bắt gần bờ thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng tư âm lịch. Cá trích, cá liệt và ruốc là những sản vật từ biển được đánh bắt phổ biến trong mùa này.
Tàu cá của ngư dân Đinh Văn Tân, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn hoạt động chủ yếu ở vùng biển gần bờ. Anh Tân cho biết, tàu đánh bắt nhiều chuyến trong ngày, sản lượng trung bình từ 40-60 kg, chủ yếu là cá trích, cá liệt và cá đù. Tàu cập bờ luôn có mối hàng quen thuộc chờ sẵn giúp anh tiết kiệm thời gian khi tiêu thụ sản phẩm. Phải nói thêm là mùa đánh bắt cá đầu năm mới là nguồn thu nhập quan trọng của không ít ngư dân ở vùng biển này.
Nếu như vùng biển Bình Định khởi đầu mùa biển mới của những tàu cá gần bờ thì ở xứ biển Bình Châu, Mỹ Á và Sa Huỳnh tỉnh Quảng Ngãi, tàu thuyền cùng ngư dân lại rộn ràng các chuyến biển xa khơi. Sau kỳ nghỉ Tết gắn cùng hoạt động lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải của làng biển cảng Mỹ Á, ngư dân Võ Văn Khoa sẵn sàng cho chuyến đi hơn hai tháng. Thực phẩm, nhiên liệu, giấy tờ thủ tục đầy đủ, tàu QNg 98705 TS, công suất 400 CV của anh cùng năm thuyền viên khởi hành đi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản.
Ngư dân Khoa chia sẻ: Mỗi năm bốn đến năm chuyến khơi, anh em sống tựa vào nhau và sống nhờ biển cả. Năm ngoái đánh bắt khá nên Tết vui. Mình đi khơi, chong đèn câu, đánh vùng khơi thu nhập đỡ hơn. Năm nay hy vọng sẽ đạt sản lượng nhiều hơn nữa.
Cuối tháng giêng, hai cha con ông Nguyễn Đệ và Nguyễn Ngọc Thạnh ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ cùng sáu thuyền viên tàu QNg 98758 TS khởi hành từ cảng biển Mỹ Á đi vùng biển tỉnh Bình Định, Đà Nẵng đánh bắt hải sản. Ông Đệ cho biết, mỗi tháng, tàu đi từ hai đến ba chuyến biển, trung bình đánh bắt được năm đến bảy tấn cá thu, cá ngừ và cá cờ mỗi chuyến. Với giá bán cá thu mỗi tấn 200 triệu đồng, mỗi tấn cá ngừ 30-40 triệu đồng, thu nhập các thuyền viên nhờ vậy mà ổn định hơn.
Năm 2023, hai cảng cá lớn của tỉnh Quảng Ngãi là Mỹ Á và Sa Huỳnh đón 8.000 lượt tàu thuyền ra vào cảng; sản lượng đạt 7.000 tấn hải sản. Năm nay, các cảng cá phấn đấu tăng lượt tàu thuyền cập cảng, tăng sản lượng hải sản 20%, với mục tiêu đạt 9.500 tấn. Trưởng ban Quản lý cảng cá Mỹ Á Lê Đức Đạo cho biết, sản lượng hải sản qua cảng tùy thuộc vào ngư trường khai thác và sản lượng hải sản hằng năm phần lớn từ các chuyến biển vùng khơi.
Với nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú, vùng biển của Bình Định và Quảng Ngãi có hơn 500 loài cá, trong đó có 38 loài có giá trị kinh tế cao. Đây cũng gần các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, vốn được coi là ngư trường cá nổi lớn, thu hút các loài cá di cư xa có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có các loại cá như cá thu, cá ngừ, cá nhám, cá chuồn, và các loài mực như mực ống và mực đại dương.
Thời tiết cũng thuận lợi tạo điều kiện cho tàu cá của ngư dân Bình Định vươn khơi đánh bắt. Thêm vào đó, giá một số sản phẩm thủy sản tăng cao nên ngư dân yên tâm bám biển sản xuất. Năm 2023, tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi đạt tổng sản lượng thủy sản gần 600.000 tấn. Tại Bình Định, sản lượng thủy sản khai thác đạt 286.000 tấn, tăng 3,17%; sản lượng một số loài thủy sản đánh bắt tăng cao so cùng kỳ như cá ngừ, cá bạc má, cá hố tăng từ 13-16%. Tại Quảng Ngãi, sản lượng thủy sản khai thác đạt 273.000 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Năm 2024, Bình Định và Quảng Ngãi phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác thủy sản hơn 561.000 tấn.
Hiện nay, hai tỉnh ven biển miền trung này cũng có số lượng tàu khai thác xa bờ ở Biển Đông khá lớn với khoảng 11.600 tàu cá, tổng công suất 2.742.600 mã lực. Trong đó, số lượng tàu cá khai thác ven bờ và vùng lộng hơn 5.690 chiếc, tàu cá khai thác xa bờ gần 6.000 chiếc.
Ngoài việc đánh bắt hải sản, công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) cũng được hai tỉnh thực hiện thường xuyên. Bình Định, Quảng Ngãi quản lý chặt chẽ tàu ra, vào cảng cá; ngư dân phải duy trì thiết bị giám sát hành trình bảo đảm hoạt động khai thác đánh bắt trên biển; các chủ tàu cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về vị trí và xử lý kịp thời nếu có vi phạm.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, tổng số tàu cá tham gia đánh bắt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là khoảng 3.250 tàu với 17.670 lao động, tăng gần 600 tàu so với cùng kỳ. Trong đó, tàu khai thác vùng lộng và gần bờ có 2.100 tàu với 8.400 lao động; tàu khai thác xa bờ có 1.151 tàu với 9.268 lao động. Thời tiết trong thời gian vừa qua tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cũng khá ổn định, giúp ngư dân tích cực bám biển sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, Bình Định có đội tàu cá gắn máy đánh bắt trên biển lớn nhất cả nước, với gần 5.800 chiếc cùng hơn 41.000 lao động làm việc trên biển hằng năm. Sản lượng nghề khai thác cá biển của tỉnh đạt bình quân 250.000 tấn mỗi năm.
Những năm qua, tàu thuyền chuyên khai thác hải sản vùng biển các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi không ngừng cải tiến, mạnh dạn nâng cấp tàu, giảm dần tàu gần bờ và tăng tàu xa bờ. Ngư dân nâng cấp cải hoán tàu cá, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và áp dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt đã đem lại hiệu quả, nên sản lượng đánh bắt liên tục tăng. Đồng thời, họ ứng dụng thiết bị số và công nghệ đánh bắt, bảo quản hải sản hiện đại để bảo đảm hoạt động bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Trưởng ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ Đặng Thị Ngọc Ánh khẳng định: Năm nay, luồng lạch cảng biển khai thông nên hy vọng sản lượng hải sản tăng. Cảng biển Sa Huỳnh phấn đấu thu hút tàu thuyền về cảng, cạnh tranh cảng; tập trung hỗ trợ tàu thuyền giải quyết các thủ tục nhanh hơn, tạo điều kiện nơi neo đậu, phấn đấu tăng tổng doanh thu cho cảng, việc làm cho người dân khu vực hậu cần cảng cá.
Theo ĐÔNG HUYỀN VÀ LƯƠNG TÙNG