BÀI DỰ THI “BÌNH ÐỊNH - ÐẤT VÀ NGƯỜI”
Một bí thư chi bộ người Bana được dân tin yêu
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được vay vốn ưu đãi nhắc đến ông Cao; nhiều thanh niên say mê chơi thể thao, cùng nhau gìn giữ nghệ thuật cồng chiêng nhắc đến ông Cao; số khác lại tấm tắc khen những kiến thức mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến mà ông Cao hướng dẫn làm mẫu… Trải ra trên nhiều lĩnh vực nhưng tất cả vẫn chỉ là một ông Cao đọng lại trong niềm trìu mến của người dân.
“Hội tụ đủ những phẩm chất của một đảng viên ưu tú”, đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân (Tây Sơn), dành cho ông Đinh Văn Cao, 53 tuổi, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn M6, xã Bình Tân. Cái cách trang trọng khi nhận xét ấy khiến tôi - người viết bài này - sắp xếp tìm gặp ông Cao.
Nói đến đâu làm đến đó để bà con tin mình
Hơn 10 năm là bí thư chi bộ, ông Đinh Văn Cao thuộc việc làng như việc nhà, hiểu từng hoàn cảnh gia đình trong thôn như chính gia đình mình; bằng uy tín cũng như sự hiểu biết, nhiệt tình của mình, ông là người góp phần tích cực giúp thôn M6 thay da đổi thịt.
Ông Đinh Văn Cao (thứ 2, từ phải qua) luôn quan tâm, gần gũi bà con, được người dân tin yêu. Ảnh: ĐINH NGỌC
Thôn M6 có khoảng 254 hộ người Kinh, Bana. Trò chuyện với tôi, nhiều người già ở đây cho hay, cách đây chừng mươi, mười lăm năm khu vực này toàn nhà cửa tạm bợ, đường sá lầy lội, người dân còn thiếu từ cái ăn đến cái mặc và vệ sinh môi trường còn kém lắm. Nhưng rồi mọi thứ dần thay đổi nhanh chóng nhờ những đảng viên nhiệt tình như ông Cao.
Khắp thôn M6 ở đâu tôi cũng nghe được những nhận xét tốt về ông Cao. Luôn miệng nói về quá trình thay đổi của gia đình chị như một lời cảm ơn đối với sự trợ giúp của Đảng - Nhà nước nói chung và với ông Cao nói riêng, chị Đinh Thị Ánh kể: Trước đây gia đình tôi rất nghèo, loay hoay mãi mà không khá. Nhà nước cho vay vốn cũng không dám vay, vì không biết làm gì. Biết chuyện, ông Cao đến động viên, giải thích nên tôi mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để nuôi bò, trồng đậu. Sau đó ông Cao hướng dẫn tôi cách thức làm chuồng, chăm sóc bò, chữa bệnh… Cũng nhờ ông Cao đến từng nhà đôn đốc tham gia các lớp tập huấn KHKT trồng trọt, chăn nuôi, dần dần tôi và nhiều bà con ở đây biết cách nuôi con bò, trồng đậu phụng, đậu đen. Đàn bò nhà tôi nay có tới 10 con, kinh tế khá, cuộc sống ổn định, ơn ông Cao nhiều lắm!.
Người viết bài này - hỏi, làm sao ông có thể biết nhiều như thế để chỉ bảo cho bà con? Ông Cao cười hiền: Khi đi họp ở xã, cán bộ hướng dẫn bảo phải giúp bà con làm kinh tế giỏi, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng nhà dân. Nên mình học trước, làm thử rồi chỉ cho bà con. Có lớp tập huấn mở ở thôn thì mình cùng đến học với bà con. Nhà nước có nhiều chính sách tốt cho đồng bào, nhưng mình phải biết dùng thì mới có tác dụng. Nói đến đâu mình cùng làm đến đó với bà con, dần dần bà con tin mình.
Người gắn kết cộng đồng thôn M6
Anh Đinh Lam, một thanh niên Bana ở thôn M6 chia sẻ, bác Cao biết cách động viên chúng tôi làm những việc từ nhỏ đến lớn. Ví dụ để sửa cho đường làng thẳng thớm, sạch sẽ… bác sẽ đến thuyết phục, nhờ thanh niên cùng làm với mình. Được một đoạn ngắn làm mẫu là ai cũng vui ngay. Cứ thế đường mới nối dài thêm; rồi chúng tôi cùng dọn vệ sinh, cắm cờ Tổ quốc mỗi dịp lễ tết… Làng xóm vui hẳn, khí thế lắm! Đặc biệt bác Cao rất quan tâm đến chuyện học của bọn trẻ con, hay nhắc nhở thanh niên để ý, hỗ trợ trẻ đi học đầy đủ.
Ông Thân Văn Sang, trưởng thôn M6 cho hay, với những kinh nghiệm, hiểu biết và sự gương mẫu của mình, ông Cao đã được dân làng M6 tín nhiệm bầu là già làng. Ông Cao là hạt nhân gắn kết cộng đồng, những buổi lễ hội, sinh hoạt văn hóa của thôn đều không thể thiếu vắng vai trò chủ lễ của già làng Đinh Văn Cao. Trong cuộc sống, mỗi khi trong thôn gia đình nào có việc vui, việc buồn, ông Cao đều đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ. Cũng phải nói thêm một điều, không nhiều người Bana lại có được sự tin cậy của bà con người Kinh như ông Cao.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho biết, ông Đinh Văn Cao là người giỏi việc làm cầu nối gắn kết ý Đảng với lòng dân, tích cực phát triển gia đình để làm gương cho bà con; thường xuyên nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng trước rồi mới nghĩ đến mình. Với một số cái mới, nhất là với một vài kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ông làm thử cho quen, đạt kết quả tốt rồi mới truyền đạt cho bà con.
Được thanh niên tin cậy
Ngoài việc là một bí thư, già làng, ông Đinh Văn Cao còn được đồng bào, đặc biệt là giới thanh niên tin cậy, xem như là người giữ hồn văn hóa Bana.
Nghe tôi hỏi, ông Cao cười: “Mình vốn cũng không biết nhiều lắm, nhưng cái hay cái đẹp của ông bà thì mình cố gắng gìn giữ, truyền lưu cho con cháu. Nghĩ thế nên chịu khó gặp gỡ, học hỏi ở những người thành thạo, biết ở đâu có người giỏi là đến tìm hiểu, xin học ngay. Nhờ đó tôi biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, nhất là cồng chiêng, các điệu múa truyền thống và truyền dạy lại cho thanh niên trong làng”.
Một buổi tập cồng chiêng do ông Đinh Văn Cao hướng dẫn. Ảnh: ĐINH NGỌC
Không chỉ có dịp được xem ông Đinh Văn Cao trình diễn cồng chiêng tại một số lễ hội văn hóa do xã, huyện, tỉnh tổ chức, tôi còn được trực tiếp chứng kiến một buổi ông Cao hướng dẫn thanh niên tập luyện cồng chiêng. Dáng người nhỏ nhắn, săn chắc, chậm rãi là thế nhưng khi vào cuộc ông lại mềm mại, uyển chuyển theo nhịp chiêng khiến bao người ngỡ ngàng.
“Đồng chí Đinh Văn Cao là bí thư chi bộ tận tâm, gương mẫu và trách nhiệm; Chi bộ thôn M6 nhiều năm liền là chi bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Cao là người có uy tín cao với cán bộ, đảng viên và nhân dân, là trung tâm đoàn kết của thôn, của chi bộ. M6 không những là chi bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ mà đời sống nhân dân phát triển mọi mặt, bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn LÊ BÌNH THANH
Anh Đinh Tứ, một thanh niên ở thôn M6 cho hay, ban đầu tôi dở lắm, không nghĩ mình sẽ chơi được cồng chiêng đâu. Nhưng bác Cao khẳng định là được, cứ kiên nhẫn là sẽ được. Và nay nhờ bác tận tình chỉ dạy, tôi đã đánh được cồng chiêng, cùng bà con tham gia các lễ hội văn hóa của làng, được trình diễn cùng nhau, tôi và bạn bè say mê lắm.
Còn chị Đinh Thị Nhung thì cho biết: Bác Cao chỉ dạy chúng tôi những điệu múa truyền thống của dân tộc Bana, từ múa xoang đến múa lễ hội đâm trâu, múa mừng lúa mới… Càng hiểu tôi càng thêm yêu truyền thống văn hóa dân tộc mình.
Ông Đinh Văn Cao kể: Tiếng cồng chiêng vang lên là tín hiệu làng bình yên, trong sâu xa đây chính là không gian giao kết thần linh với cộng đồng. Thiêng liêng lắm nên từ năm 2007 tôi cùng nhiều người cao tuổi trong thôn ra sức giữ gìn, thành lập được đội cồng chiêng của thôn. Được sự ủng hộ của Đảng ủy, UBND xã nên mọi việc rất thuận lợi. Nhờ sự nhiệt huyết của ông mà cồng chiêng ở thôn M6 dần được khôi phục, đội cồng chiêng của làng thường đạt giải cao trong các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số do huyện, tỉnh tổ chức.
Tuy chưa được công nhận là nghệ nhân nhưng tình yêu cồng chiêng của ông Đinh Văn Cao không những được người dân thôn M6 biết đến mà cả nhiều thôn, xã khác trong huyện Tây Sơn cũng đặc biệt quý trọng. Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho hay, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách tốt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; ở những vùng xa như thôn M6, cùng với nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể, thực tế cho thấy sự đóng góp của những người như ông Cao rất quan trọng.
Chia tay tôi, ông Đinh Văn Cao vui vẻ chia sẻ: Tôi mồ côi cha từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, bản thân tôi được đi học, biết được ít nhiều đều nhờ Đảng - Nhà nước quan tâm tạo điều kiện. Vì thế tự tôi thấy được trách nhiệm của mình với thôn, xã, với quê hương, coi như đó là đền đáp lại niềm tin yêu của bà con. Là bí thư chi bộ, già làng thôn M6 suốt 10 năm qua, điều khiến tôi tự hào nhất là bà con Kinh - Bana luôn đoàn kết, gắn bó thương yêu nhau, cả thôn như một nhà, 10 năm qua trong thôn không xảy ra vụ mâu thuẫn, xô xát nào giữa người trong thôn với nhau; trẻ con đến tuổi đều được đi học, người già đau ốm được chữa bệnh kịp thời; ai có việc cần giúp thì cả thôn cùng chung tay!
ĐINH NGỌC