Phù Mỹ tích cực phát triển sản phẩm OCOP
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Phù Mỹ đã thu được nhiều kết quả tích cực, sản phẩm tăng cả lượng và chất, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Năm 2021, huyện Phù Mỹ chỉ có 7 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao; đến cuối năm 2023, số lượng sản phẩm OCOP đã tăng lên 44 sản phẩm, trong đó có 38 sản phẩm đạt 3 sao, 6 sản phẩm đạt 4 sao. Sản phẩm OCOP của Phù Mỹ đa dạng và phong phú, nhiều sản phẩm là đặc sản, đặc trưng bản địa đã đến tay người tiêu dùng cả nước.
Để nâng tầm giá trị sản phẩm, các chủ thể đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, VietGAP, TCVN...), bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và quy định của pháp luật. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt ở nhiều vùng miền trong nước.
Định hướng sản xuất và cung cấp cho thị trường sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu sạch, năm 2020 anh Trần Quang Tiến, Giám đốc HTXNN Agribio Mỹ Đức (xã Mỹ Đức) đầu tư nhà xưởng, mua trang thiết bị chuyên dụng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nấm. “Chúng tôi sử dụng 100% nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: Mùn cưa một số loại gỗ, bổ sung thêm cám gạo, cám bắp để tạo phôi. Đặc biệt, phôi nấm của HTX không dùng hóa chất, chất kích thích, nhưng sản phẩm vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện có 3/5 sản phẩm OCOP của HTX đạt 4 sao, được tiêu thụ mạnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên”, anh Tiến chia sẻ.
Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu sạch của HTXNN Agribio Mỹ Đức đã đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ảnh: T.SỸ
Tương tự, HTXNN Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa) đã đầu tư mua dây chuyền và thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh dầu phụng. Để có nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định, HTX vận động nông dân duy trì diện tích 150 ha đậu phụng hiện có và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Sản phẩm của nông dân được HTX thu mua, bảo quản để phục vụ chế biến dầu phụng cung cấp cho thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc HTXNN xã Mỹ Hòa, để được công nhận là sản phẩm OCOP, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về tổ chức sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, còn có thêm nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khác về bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tính cộng đồng. Thực tế, việc thực hiện liên kết chuỗi đã đem lại nhiều lợi ích cho cả HTX và bà con nông dân. Hiện sản phẩm OCOP dầu phụng của HTX đã đạt 3 sao, có đầu ra ổn định.
Việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của các chủ thể luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Cùng với việc đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân tham gia chương trình OCOP, chúng tôi tích cực tư vấn cho người dân lập phương án đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng.
Trong khi đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phù Mỹ đã tổ chức xúc tiến quảng bá sản phẩm tại phiên chợ hàng nông sản, trưng bày sản phẩm OCOP. Cùng với đó, phối hợp với Bưu điện huyện Phù Mỹ đưa sản phẩm chủ lực, đặc trung, sản phẩm OCOP của huyện lên trang thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Hiện, trong số 44 sản phẩm OCOP của huyện Phù Mỹ đã có 32 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: Lợi ích của Chương trình OCOP mang lại là rất lớn. Vì thế, năm 2024 huyện Phù Mỹ phấn đấu có 55 sản phẩm OCOP được tỉnh, huyện công nhận từ 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, huyện tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, DN, cá nhân tham gia Chương trình; đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, gắn với việc giải quyết đầu ra sản phẩm. Hiện nay, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Chương trình. Các đơn vị bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình nhanh và hiệu quả…
PHẠM TIẾN SỸ