Lũy đá cổ Phú Hà & những bí ẩn chờ giải mã
Sau chuyến khảo sát thực địa để nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa của lũy đá cổ Phú Hà trên núi Bích Kê, đoạn chạy qua thôn Phú Hà, xã Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ) vào giữa năm 2023, mới đây Bảo tàng tỉnh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để làm rõ những bí ẩn của công trình kiến trúc độc đáo này.
Một kiến trúc độc đáo
Trung tuần tháng 2.2024, Bảo tàng tỉnh có chuyến khảo sát lũy đá cổ Phú Hà lần thứ hai để tiếp tục nghiên cứu về công trình này. Theo chân đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh và những người dân địa phương thông thạo địa hình dẫn đường, chúng tôi dùng sõng chèo qua hồ Phú Hà để đến chân núi Bích Kê. Sau khi băng rừng men theo những con dốc thoai thoải, chúng tôi đến khu vực lũy đá được xây dựng khá công phu, với hàng triệu viên đá lớn nhỏ ghép chồng lên nhau, kéo dài tít tắp chạy ngang dọc dưới chân núi.
Men theo những đoạn lũy đá từ hướng Bắc đến hướng Nam, cứ cách một đoạn lũy chính dài khoảng 7 - 8 m lại có những đoạn lũy khác nối vào chạy cắt ngang, chia theo ô vuông vức như những hộc chứa. Những đoạn lũy chỉ cao từ 1,2 - 1,5 m, có đoạn cao tầm 1 m, phía trên mặt lũy rộng chừng 0,8 - 1 m… Vật liệu dựng nên tường lũy là đá tự nhiên, hoàn toàn không có chất kết dính. Lũy được xếp bằng những viên đá có kích thước lớn, nhỏ khác nhau từ dưới chân lên đến mặt; trên mặt cũng có những lớp đá xếp bằng phẳng; tại những đoạn lũy bị sạt lở, hư hại xuất lộ bên trong mặt tường lũy nhiều lớp đá cuội nhỏ.
Lũy đá cổ Phú Hà làm bằng đá tự nhiên xếp chồng lên nhau, hoàn toàn không có chất kết dính. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dẫn đường cho đoàn công tác đến lũy đá, ông Trương Văn Phố, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Hà, cho biết: “Người dân trồng rừng ở đây ai cũng biết lũy đá cổ này. Lũy đá liên kết trải dài từ hố Giang đến gò Quánh qua tới suối Trầu nằm giữa rừng rậm dưới chân núi Bích Kê, nhưng không ai biết lũy đá được xây dựng vào thời gian nào, cũng như xây nhằm mục đích gì”.
Đứng kế bên, ông Nguyễn Tấn Phát, công chức Văn hóa - Xã hội xã Mỹ Đức, góp chuyện: “Sau đợt khảo sát lần đầu, xã đã thông tin để nhân dân hiểu thêm về giá trị văn hóa, lịch sử của lũy đá cổ Phú Hà; đồng thời, tuyên truyền người dân không xâm phạm đến di tích, cũng như đề nghị tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Phú Hà tuần tra bảo vệ rừng gắn với bảo vệ lũy đá”.
Tiếp tục nghiên cứu giải mã bí ẩn
Theo Bảo tàng tỉnh, lũy đá cổ Phú Hà chạy theo hướng Đông - Tây với tổng diện tích gần 20.000 m2. Đến nay, mới chỉ khảo sát được mặt phía Bắc, còn mặt phía Nam tường lũy cao, chưa phát quang cây cối, bụi rậm nên chưa thể tiếp cận nghiên cứu. Qua lần khảo sát đầu tiên, các chuyên gia khảo cổ đã đưa ra nhận định sơ bộ lũy đá này không phải là một công trình quân sự.
Những đoạn tường lũy bị hư hại xuất lộ lớp đá cuội được rải bên trong mặt tường. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Đợt điền dã này, chúng tôi khảo sát hướng Tây Nam của mặt phía Bắc lũy đá. Qua đó, phát hiện thêm lũy đá cổ Phú Hà có nhiều điểm đặc biệt, đó là trong một phạm vi nhỏ nhưng bố trí nhiều bờ đá chia thành từng ô vuông góc với diện tích khác nhau, nhìn giống như bàn cờ; xung quanh lũy đá còn có bờ hào dẫn nước, có mương điều chỉnh nguồn nước chảy. Nhiều khả năng lũy đá cổ này xây dựng hoàn chỉnh thông nhau điều phối nước từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Đối chiếu với nhận định trong lần khảo sát đầu tiên là lũy đá có chức năng như trạm thu mua nông sản, thì vẫn còn nhiều tồn nghi cần làm rõ thêm, hiện chưa thể nói thêm gì nhiều”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 lũy đá đã được Bảo tàng tỉnh, cùng các chuyên gia khảo cổ học tiến hành khảo sát, nghiên cứu và có báo cáo khoa học, gồm: Lũy đá Phương Mai (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) và trường lũy La Vuông (xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn); trong đó, trường lũy La Vuông có Đồn Thứ với chức năng chủ yếu như một đồn sơn phòng; lũy cổ Phương Mai thì có pháo đài Hổ Ky với mục đích bố phòng, án ngữ bảo vệ vùng cửa biển Thị Nại. Với lũy đá cổ Phú Hà, các nhà nghiên cứu truy soát các thư tịch cổ vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nhắc đến.
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm: Năm nay, chúng tôi sẽ triển khai nhiều đợt khảo sát, đo đạc, vẽ lại bản đồ, chấm điểm di tích lũy đá cổ Phú Hà; đồng thời phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát quy mô lớn tại khu vực phía Tây Nam của lũy đá để đánh giá và đưa ra những nhận định ban đầu. Từng bước làm sáng tỏ những bí ẩn liên quan đến lũy đá cổ Phú Hà, làm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu sau này, tiến tới các bước lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN