Ngăn chặn tin giả, xấu độc - nhiệm vụ cấp thiết trong kỷ nguyên số
Với sự phát triển ào ạt của internet, nhất là mạng xã hội, tin giả, thông tin xấu độc có thêm nhiều mảnh đất màu mỡ để sinh sôi, nảy nở, gây thiệt hại lớn trên nhiều lĩnh vực. Ðặc biệt là các thế lực thù địch sử dụng tin giả để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước và dân tộc ta.
Hậu quả thật từ tin giả
Tin giả là thông tin cố ý bịa đặt sai sự thật, thường được lan truyền qua các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội (MXH). Tin giả có thể tác động đến tư tưởng, quan điểm, tình cảm, thái độ, hành vi của người tiếp nhận, gây rối loạn xã hội. Những kẻ tạo ra tin giả nhằm thực hiện các mục đích chính trị, lợi ích kinh tế cùng nhiều ý đồ xấu xa khác.
Mỗi người phải tự nâng cao “sức đề kháng” cho bản thân, có ý thức tiếp cận với nguồn tin chính thống. Ảnh: sotttt.tayninh.gov.vn
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet rất cao. Khi tin giả xuất hiện trên không gian mạng, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rất lớn đến đời sống, nhất là về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh. Tin giả nhưng tác hại của nó thì có thật.
Khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4.2022, loạt tin đồn thất thiệt về việc một số DN niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề gây hoang mang cho nhà đầu tư và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN. Dù có thông tin chính thống để đính chính, trấn an cổ đông, nhà đầu tư nhưng cổ phiếu của các DN này vẫn giảm mạnh.
Một ví dụ điển hình khác, tháng 1.2023, chỉ vài giờ sau khi đối tượng Nguyễn Lê Tấn Tài đăng tải nội dung bịa đặt, sai sự thật về việc một nữ sinh viên bị hiếp dâm tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Trường Quân sự Quân khu 7) trên fanpage UFH Confession, bài viết đã tạo ra “cơn bão” thông tin với hàng trăm nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Đáng chú ý, dù chưa rõ bản chất của vấn đề, rất nhiều người phản ứng thái quá, cố tình “bêu xấu” quân đội. Cái kết của câu chuyện này là Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lê Tấn Tài mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “đưa trái phép thông tin mạng máy tính” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thời gian gần đây, tin giả xuất hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến công tác nhân sự, bỏ phiếu tín nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao... Từ đó, gây xáo trộn đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin của quần chúng; thậm chí còn tạo ra sự hoang mang, tâm lý tiêu cực trong đời sống xã hội.
Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng
Một trong những diễn biến đáng chú ý gần đây là xuất hiện một số website tiếng Việt của một số cơ quan thông tin chính thức nước ngoài, các nhóm người Việt phản động lưu vong ở nước ngoài, một số cơ sở dịch vụ công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông nước ngoài… Các trang này thường dùng thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen”, vừa dẫn lại thông tin chính thức của các cơ quan truyền thông chính thống trong nước, vừa “trộn lẫn” với nội dung, hình ảnh xuyên tạc, phản động nhằm chống phá Đảng và chế độ. Trong số nạn nhân bị “dẫn dụ” và “đánh lừa” trước chiêu trò này, chiếm phần lớn là những kẻ thiếu hiểu biết, tò mò, hoài nghi, mang tâm lý bất mãn.
Do đó, mỗi người phải tự nâng cao “sức đề kháng” cho bản thân, có ý thức tiếp cận với nguồn tin chính thống. Cùng với tỉnh táo nhận diện mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, phải phân biệt rõ những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết với các quan điểm sai trái. Tuyệt đối không tiếp cận, tương tác, lan truyền những nội dung xấu độc để tránh vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng.
Bên cạnh ý thức của từng người sử dụng mạng, các cấp ủy, chính quyền cần chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Mặt khác, cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống, đẩy lùi tin giả. Cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý tin giả; quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cơ quan chức năng trong công tác quản lý, đấu tranh với tin giả.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phát hiện, xử lý tiến đến đẩy lùi tin giả. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, cơ quan, địa phương trong cả nước để chủ động phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tán phát, ủng hộ, cổ xúy tin giả với động cơ tiêu cực, phản động, vi phạm pháp luật.
MAI LÂM