Hạn chế hương khói khi đi lễ chùa
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi đi lễ chùa hay đình miếu đều dâng hương để cúng Phật, thần thánh, cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình. Tuy nhiên, thay vì thắp một nén nhang thể hiện lòng thành kính, nhiều người khi đi lễ chùa hoặc tại các nơi thờ tự đã thắp cả bó nhang, nhiều người cùng thắp nhiều nhang như vậy sẽ khiến không khí rất ngột ngạt bởi khói dày đặc.
Thực trạng này cũng diễn ra ở Bình Định mỗi khi đến dịp lễ, tết ở các đình, chùa, nhất là tại các lễ hội.
Người dân, khách thập phương hành lễ tại chùa Bà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (ảnh minh họa). Ảnh: BẢO MINH
Có nhiều nơi, mặc dù đã có biển báo hạn chế thắp nhang hoặc không được thắp nhang, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ và vô tư đốt nhiều nhang để cúng. Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, một số chùa, điểm tâm linh phải bố trí người đứng trực nhắc người hành lễ hạn chế thắp nhang, bố trí chậu nước cạnh lư hương để dập tắt bớt nhang cháy, hạn chế tình trạng khói dày đặc, gây ngột ngạt… Trên thực tế, khói nhang nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tại các bàn thờ ở chùa, điểm tâm linh có nhiều phẩm vật dâng cúng, kèm theo đó việc đốt nhiều nhang cũng có khả năng gây ra hỏa hoạn nếu không được kiểm soát kỹ.
Trong những năm gần đây, mỗi khi đến ngày tổ chức các lễ hội lớn, ngoài việc đảm bảo các khâu tổ chức lễ hội diễn ra trang nghiêm, phù hợp với phong tục, tín ngưỡng của dân gian, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ban tổ chức các lễ hội còn tuyên truyền, vận động người dân, khách thập phương khi hành lễ đều hạn chế đốt nhang. Việc làm này cũng đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần phòng chống cháy nổ, tạo không khí trong lành, lễ hội diễn ra tiết kiệm, văn minh.
Việc đến chùa, hay những điểm tâm linh để hành lễ là nét văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp, nhưng thay vì đốt nhiều nhang, mỗi người chỉ nên đốt một nén nhang, hơn hết là dâng nén “tâm hương” bày tỏ lòng thành với đấng ơn trên để cùng chung tay tạo ra lối sống văn hóa tâm linh lành mạnh, văn minh.
BẢO MINH