Xanh tươi “đất lửa thành đồng”
Nằm dưới chân dãy núi Kim Bồng - Thạch Tân (thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn) vươn mình đâm thẳng ra Biển Ðông, xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) là đơn vị hành chính cuối cùng của tỉnh Bình Ðịnh theo trục QL 1. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là vùng chiến sự ác liệt; nhờ vượt lên giành chiến thắng Hoài Châu Bắc được vinh danh là “đất lửa thành đồng”. Trưởng thành trong gian khó, Hoài Châu Bắc hôm nay là một vùng trù phú, xanh tươi.
Nếu phải tìm một chỉ dấu nào đó thật thuyết phục để nói về sự đổi thay ở vùng đất này, tôi sẽ đưa bạn đến những cánh đồng cói, đồng hoa bạt ngàn nơi xa xưa là chốn bom cày đạn xới, cỗi cằn đến cỏ cũng rất khó mọc lên. Hoài Châu Bắc hôm nay có trên 3.000 hộ dân chủ yếu bằng nghề nông, dịch vụ thương mại vận tải, tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống: dệt chiếu cói, ép dầu, nghề mộc, chẻ đá, trồng hoa…
Tình người “đất lửa thành đồng”
Khi viết về quê cha đất mẹ Hoài Châu Bắc, nhà thơ Trần Nguyên Tình trải lòng: “Quê tôi vườn trước, đồng sau/ Cây dừa, bụi lúa dìu nhau đi cùng /Như Người với Đất thủy chung/ Sống cùng lăn lộn, chết cùng ôm nhau...”. Thơ là vậy mà thực tế cả lịch sử lẫn địa dư cũng vậy.
Đất Hoài Châu Bắc là nơi dày đặc những tầng tầng lớp lớp văn hóa trầm tích, với những gò cát di chỉ trắng mênh mông ở thôn Bình Đê, với vùng đầm nước Bàu Đưng với những vỏ ốc, vỏ sò, bếp lửa của người cổ, những chiếc neo của thuở xa xưa… Ta còn thấy ở đây cụm hai quả đồi nổi cao giữa vùng đất bằng phẳng, mà năm xưa Mỹ - Ngụy tạo lập nên cứ điểm Đồi 9, Đồi 10. Từ năm 1963, với hai cứ điểm này, quân địch có thể bao quát, khống chế cả một vùng rộng lớn từ Hoài Sơn đến Hoài Châu, án ngữ tuyến giáp ranh giữa Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật của địch, là căn cứ quan trọng để hình thành tuyến phòng thủ vững chắc phía bắc quận lỵ Tam Quan. Nhưng rồi quân và dân địa phương đã giành chiến thắng, đã nhổ sạch hệ thống phòng thủ của kẻ thù.
Một góc khu vực trung tâm xã Hoài Châu Bắc. Ảnh: T.H.D
Lịch sử đấu tranh giải phóng tỉnh nhà đã ghi nhận, cuộc tiến công của quân và dân các xã cánh bắc Bình Định mùa xuân Ất Tỵ 1965 phá vỡ thế áp bức, kìm kẹp của Mỹ - Ngụy tại cứ điểm Đồi 10 - là mốc son chói lọi về tinh thần ngoan cường, anh dũng hy sinh của người dân địa phương. Nhắc đến chiến công này, người ta cũng sẽ nhắc đến những tấm gương sáng như anh Ngô Bàn xông lên phía trước nằm đè lên lựu đạn để giảm thương vong cho người dân; như má Ngung nắm họng súng quân thù đang khạc lửa chỉa thẳng lên trời, giục đồng bào đấu tranh biểu tình ào ạt tiến lên phía trước, buộc chúng phải chùn bước... Còn có rất nhiều điều để kể về những trận thắng liên quan và tôi nghĩ đáng kể hơn cả có lẽ là những câu chuyện về tình quân dân đoàn kết gắn bó keo sơn.
Trong chiến tranh, bộ đội về đến Hoài Châu - Hoài Châu Bắc là về đến nhà mình. Làng xóm, dân tình đón bộ đội với tất cả yêu thương; “quân với dân như cá với nước” đằm thắm, ân tình. Đến bây giờ câu chuyện về những bà mẹ nuôi quân như mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hiền (ở thôn Gia An); mẹ Võ Thị Đào tức má Nhương (ở thôn Gia An)… đã cưu mang, chữa thương cho chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn còn khiến nhiều người xúc động. Hoặc câu chuyện người chị “đất lửa” nuôi dưỡng thương binh bằng chính dòng sữa đang nuôi con thơ của mình khiến người lính ấy nhiều năm sau gặp lại vẫn nghẹn ngào kêu lên rằng “mẹ của em ơi!”, riêng cách xưng hô đã là một sự tích! Hiểu điều đó sẽ thấu cảm vì sao nhiều người lính Sư 3 coi Hoài Châu - Hoài Châu Bắc như quê hương thứ hai của mình.
Hôm nay, các mẹ, các chị đã được Đảng - Nhà nước, các đoàn thể chăm lo nâng cao cả về đời sống vật chất và tinh thần, nhưng với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, cộng với tinh thần hăng say lao động, họ đã cống hiến và làm đẹp thêm cho quê hương trong lao động sản xuất hằng ngày bằng hình ảnh của những thửa ruộng lúa chín vàng, những làng hoa rực rỡ sắc màu, những chiếc chiếu cói được tinh xảo dệt thành…
Chung tay dựng xây quê hương thêm giàu đẹp
Người Hoài Châu Bắc không quên quá khứ hào hùng nhưng câu chuyện hôm nay, cả trong những ngày tháng Ba, tháng Tư rộn ràng cờ hoa lịch sử, họ vẫn thích kể về cuộc sống đang diễn ra hơn. Họ muốn chia với bạn niềm vui ruộng lúa tốt tươi, những mùa vàng bội thu, những ruộng hoa tiếp nối nhau trên những động cát năm xưa đến cỏ cũng khó mọc lên… Tôi là người Hoài Châu Bắc nhưng đôi khi vẫn thấy bất ngờ trước lối nghĩ suy, trước cách ứng xử khoáng đạt này.
Như làng hoa Gia An Nam trước đây là một vùng cát trắng cỗi cằn, quanh năm cây cỏ khô cháy, nhưng với quyết tâm của một số hộ dân dám nghĩ, dám làm đã tiến hành thuê đất, đóng giếng, cải tạo đất để trồng thử nghiệm một số loại hoa: cúc, vạn thọ, lay ơn, mồng gà…, sau khi thành công đã nhân rộng ra các hộ gia đình lân cận giúp nhau, tương trợ cùng phát triển, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay đã hình thành nên một làng hoa trù phú, sầm uất và nhộp nhịp mỗi khi Tết đến Xuân về, tiêu biểu như hộ ông: Nguyễn Văn Quả, Trương Phát… thuê từ 5 - 7 lao động làm việc thường xuyên, chuyên canh tác các loại hoa cúc, vạn thọ.. cung cấp cho thương lái các nơi: Bồng Sơn, Tam Quan... đến mua vào dịp mùng 1, rằm âm lịch…
Vùng cát trắng cỗi cằn, quanh năm cây cỏ khô cháy ở Gia An Nam năm xưa nay đã là làng hoa tươi tốt. Ảnh: T.H.D
“Đất lửa thành đồng” của năm xưa nay đang đổi mới mạnh mẽ, những con đường truông hoang vắng, đất đỏ ghồ ghề năm xưa nay chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ thông thoáng sẵn sàng chào đón luồng gió mới - luồng gió đầu tư phát triển kinh tế theo hướng năng động, hiện đại và bài bản hơn. Cùng với việc triển khai cụm công nghiệp khai thác đá xây dựng ở thôn Hy Thế, TX Hoài Nhơn đã cho quy hoạch các làng nghề truyền thống (làng dệt chiếu cói truyền thống Chương Hòa, Gia An Đông, làng trồng hoa cảnh Gia An Nam…) theo hướng nông nghiệp kết hợp phục vụ du lịch, khu du lịch tâm linh nghỉ dưỡng chùa Mười Liễu ở thôn Tuy An cũng thu hút ngày càng nhiều khách tham quan hơn.
Trao đổi với tôi, ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra, cán bộ và nhân dân trong xã đã tập trung, nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quy định. Đến nay, 10/10 thôn trong xã đang phấn khởi vì đã hoàn thiện các tiêu chí thi đua xây dựng xã điểm nông thôn mới nâng cao, chỉ còn chờ tỉnh công nhận. Tới đây, chúng tôi sẽ động viên cán bộ, nhân dân Hoài Châu Bắc thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công vào năm 2025, tạo đà để hướng đến năm 2025 xã Hoài Châu Bắc phấn đấu trở thành một trong những phường mạnh của TX Hoài Nhơn - định hình nên đô thị loại 3 ở phía bắc Bình Định trong tương lai.
Sau trường học, chợ, những tuyến đường, xã Hoài Châu Bắc cũng đã xây dựng xong trạm y tế xã khang trang, sạch đẹp; đồng thời, đang nâng cấp mở rộng và trải nhựa một số tuyến đường vào khu quy hoạch dân cư, trường tiểu học, trường mầm non… Trên quê hương đất mẹ Hoài Châu Bắc hôm nay, không khí tươi mới hăng say lao động sản xuất, kinh doanh tỏa lan trên từng ngõ xóm, đường làng. Nếu năm xưa người Hoài Châu Bắc vững niềm tin yêu thiêng liêng một lòng theo Đảng, theo cách mạng giải phóng quê hương thành công, thì trong sự nghiệp dựng xây “đất lửa thành đồng” ngày càng thêm giàu đẹp hôm nay, niềm tin ấy thêm một lần nữa đã truyền động lực để mơ ước năm xưa đang thành hiện thực mỗi ngày.
TRẦN HỒNG DƯƠNG