Thể thao quốc tế trên đầm Thị Nại
Đây là giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế được đăng cai tổ chức bởi Liên đoàn đua thuyền máy Quốc tế (UIM), gồm hai giải: Đua thuyền máy UIM-F1H20 và mô tô nước UIM-ABP Aquabike.
Các tay đua mô tô nước tập trung ở khu vực kỹ thuật để chạy thử động cơ, làm quen với đường đua. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Việc tổ chức giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế Grand Prix of Binh Dinh 2024 nhằm tạo ra sân chơi chuyên nghiệp, thúc đẩy các phong trào đua thuyền máy tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện này còn giúp người chơi không chuyên cũng như khán giả yêu thích bộ môn này có điều kiện tiếp cận và thưởng thức giải đấu với quy mô mang tầm cỡ quốc tế.
Đầm Thị Nại nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Đầm Thị Nại, với tôi, như là người quen cũ. Cũng phải thôi, vì tôi đã ở Quy Nhơn tới 10 năm, từ 1979 - 1989. Ngày còn ở Quy Nhơn, chỉ biết Thị Nại là đầm nước lợ to chà bá, thế thôi. Đâu có nghĩ gì về chuyện thể thao trên đầm đầy tôm cá này.
Bây giờ, tháng 3.2024 này, thì đầm Thị Nại hiện trước tôi như một người quen cũ đã lột xác. Cái đầm rộng 5.000 ha này đã thành một sân chơi thể thao tầm quốc tế, đón Giải vô địch thế giới thuyền máy công thức 1 UIM F1H2O (từ ngày 29 đến 31.3).
Ôi chao, nói đến công thức 1 thì dù trên cạn hay dưới nước, người ta nghĩ ngay đến… tốc độ kinh khủng của các giải đua này. Nghe nói, thuyền máy đua công thức 1 trên đầm Thị Nại có tốc độ cao nhất lên tới 250 km/h. Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bình Định F1, cho biết: “Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẽ là một trong những sự kiện được mong đợi nhất trong năm, với sự góp mặt của các tay đua kỳ cựu từ khắp nơi trên thế giới thi đấu với nhau. Người hâm mộ sẽ được xem những đối thủ có kỹ năng chinh phục các làn sóng và chạy đua để giành vị trí đầu tiên trong cuộc đua thú vị này. Không chỉ vậy, khán giả còn có thể thưởng thức một loạt các hoạt động như gian hàng ẩm thực, biểu diễn nhạc sống và nhiều hoạt động khác”.
Gì chứ mới nghe nói tới ẩm thực Quy Nhơn - Bình Định, tôi đã… phát thèm rồi. Đua thuyền máy thì chưa xem chưa biết, chứ các món ăn Quy Nhơn - Bình Định thì biết lâu rồi. Biết cả những món ẩm thực lấy nguyên liệu từ đầm Thị Nại nữa cơ. Như thế, cuộc đua quốc tế này còn là cuộc đua tổng hợp, không chỉ đua thể thao, mà còn đua… ăn, đua chơi, đua xây dựng phát triển Quy Nhơn nữa mới ghê.
Các tay đua mô tô nước so kè quyết liệt, băng nhanh về đích. Ảnh: DŨNG NHÂN
Quang cảnh màn tranh tài chính thức ở ngày đầu tiên giải đua mô tô nước. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Bởi theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, TP Quy Nhơn vốn một bên núi, một bên biển, diện tích chưa đến 285 km², do đó không đủ không gian cho một đô thị văn minh, hiện đại để phát triển. Trong khi đó, Quy Nhơn có đầm Thị Nại rộng 5.000 ha ngay trong thành phố, là món quà thiên nhiên độc đáo mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam có được nhưng từ lâu chưa được khai thác:
“Chúng ta hình dung, sắp tới TP Quy Nhơn mở rộng về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại là trung tâm của TP Quy Nhơn mới, đô thị sẽ phát triển xung quanh. Ở phía Đông Bắc là bán đảo Phương Mai sẽ xây dựng đô thị hiện đại, sầm uất, còn phía Tây Bắc là các xã của huyện Tuy Phước sẽ phát triển đô thị sinh thái yên bình”, ông Dũng hứa chắc như vậy.
Đúng là thời 4.0, người ta làm chuyện A thì nghĩ tới chuyện B, chuyện C… tới chuyện… Z luôn. Cách suy nghĩ tổng hợp và kết nối như thế sẽ giúp cho một vùng đất có quy hoạch phát triển một cách đồng bộ, từ thể thao nghĩ tới du lịch, từ đua thuyền máy nghĩ tới quy hoạch phát triển kinh tế, làm giàu từ những thế mạnh mà thiên nhiên ban cho vùng đất của mình.
Tôi chợt nhớ tới người em thân thiết Vũ Hoàng Hà, vào cuối năm 2006 đang là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong dịp khánh thành cây cầu Thị Nại bắc qua đầm Thị Nại, đã phát biểu đầy xúc động:
“Đến bây giờ thì hệ thống cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội đã hoàn thành. Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân dân Bình Định, là biểu tượng, là kết tinh cho ý chí tự lực tự cường, nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Bình Định trong khát vọng đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Cầu Thị Nại chính là nhịp cầu nối vào tương lai tươi sáng, là tiền đề để Bình Định cùng khu vực và cả nước tạo ra những bước đột phá quyết liệt hơn trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước lúc sinh thời của Bác Hồ kính yêu”.
Tôi còn nhớ, trong buổi lễ khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam thời gian ấy mà tôi may mắn được dự, tôi và nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn đã đi bộ trên cầu Thị Nại, ra giữa cầu chồm người ngắm đầm Thị Nại ở góc nhìn đẹp nhất. Chẳng biết lúc đó nghĩ gì, chỉ biết vui, vui lắm. Vui nhất là “cụ Liễn già” từ đây sẽ thong dong đi xe máy (con trai chở) qua cầu về Nhơn Lý quê hương thăm bà con họ hàng.
Vậy mà đã 18 năm rồi. Cụ Liễn đã về với ông bà tổ tiên từ nhiều năm nay, còn Quy Nhơn thì đang phơi phới đi lên, bây giờ còn đi lên bằng tốc độ đua thuyền máy công thức 1. Trên đầm Thị Nại đầy những dấu tích lịch sử với những trận thủy chiến ác liệt. Thời ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ là xây dựng hòa bình, đua thuyền quốc tế đúng ngày kỷ niệm giải phóng Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2024).
Các tay đua so kè rất quyết liệt trên mặt nước. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
VĐV rất tự tin khi trình diễn những kỹ thuật khó trên mô tô nước. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Khán giả đội ô che nắng, ngồi theo dõi các tay đua tham gia vòng đua phân hạng. Ảnh: TRỌNG LỢI
49 năm rồi, Quy Nhơn - Bình Định đã tiến thật xa và thật đẹp. Riêng Quy Nhơn đang trở thành một “thành phố biển đáng sống” của Việt Nam.
OK, chào Giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế Grand Prix of Binh Dinh 2024! Chúc thành công tốt đẹp!
Khán giả hào hứng với những màn biểu diễn mô tô nước
THANH THẢO