Ða dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất
Dù tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường trong và ngoài nước sụt giảm mạnh, song từ đầu năm đến nay tín hiệu đáng mừng là xuất khẩu của tỉnh Bình Ðịnh vẫn tăng trưởng khá cao.
Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 3 tháng đầu năm nay ước thực hiện 390 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 23,6% kế hoạch cả năm (1,65 tỷ USD).
Trong đó, đáng chú ý sản phẩm đồ gỗ - ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, khởi sắc với sản lượng xuất khẩu ước tăng 13,4% khi các DN xuất khẩu lớn đã nhận đơn hàng đến hết quý II/2024. Chưa kể, các đối tác từ Mỹ, EU... cũng đặt hàng trở lại ngay từ đầu năm, giúp DN giảm khá nhiều hàng tồn kho. Diễn biến trên càng thêm đáng mừng khi kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu gỗ tăng 105,1%.
Công ty CP công nghệ gỗ Đại Thành nỗ lực thực hiện các đơn hàng cho khách. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: Hội chợ hàng phong cách ngoài trời quốc tế Quy Nhơn 2024 diễn ra từ ngày 9 - 12.3 thu hút khoảng 8.900 lượt khách đăng ký, tham quan, trong đó khoảng 2.800 lượt khách nước ngoài. Theo thông tin từ các DN, nhiều khách tham quan, nhất là khách nước ngoài đã đặt vấn đề đơn hàng cho mùa hàng 2024 - 2025 với tín hiệu lạc quan, khả thi.
Đầu năm nay, mặt hàng ghế đan nhựa giả mây cũng chứng kiến sự khởi sắc đáng kể khi sản lượng xuất khẩu ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết DN đã xử lý hết lượng hàng tồn kho năm 2023 và nhận đơn hàng mới đến hết quý II/2024. Ngoài ra, một số DN đã có đủ đơn hàng sản xuất cho cả năm 2024.
Theo ông Thiện, hiện nay, xu hướng của khách hàng nước ngoài, nhất là thị trường mới ở EU, Trung Đông, Trung Quốc… đặt hàng với số lượng ít, thời gian giao hàng nhanh. Do đó, các DN đang nỗ lực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tính trong 3 tháng đầu năm, một số DN đã chi hơn 1 triệu USD để mua sắm trang thiết bị mới phục vụ sản xuất.
Sau những khó khăn trong năm 2023 do đứt đơn hàng xuất khẩu, hoạt động đầu tư xây dựng chững lại, đầu năm nay, các DN nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như thép, tấm lợp kim loại, cấu kiện nhà lắp sẵn, khởi sắc hơn. Nhờ đó, sản lượng tấm lợp kim loại ước tăng 226,6%; cấu kiện nhà lắp sẵn tăng 100,3%...
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội, Công ty CP Cơ điện và Xây lắp Hùng Vương, Công ty CP Cơ khí và Xây dựng Quang Trung…, các DN này đã nhận nhiều đơn hàng để sản xuất và xuất khẩu.
Trong khi đó, DN ngành hàng may mặc trên địa bàn tỉnh cũng đã ký được những đơn hàng mới cho 6 tháng đầu năm nay. Sản lượng áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy, gi-lê và các mặt hàng tương tự dệt kim… tăng 73,88% so với cùng kỳ.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, nhận định: Các DN rất nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chương trình xúc tiến thương mại cũng phải được tính toán mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, đi kèm với các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước trong hỗ trợ DN xuất khẩu. Trước bối cảnh kinh tế hiện nay, dự báo DN xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn về chi phí logicstics, nguyên liệu tăng cao… Do đó, các DN đang phải tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, từ đầu năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động vào cuộc, đơn giản hóa thủ tục nhằm tiết giảm chi phí cho DN; cải cách môi trường kinh doanh nhanh hơn và thực chất hơn để củng cố niềm tin, tạo động lực sản xuất, kinh doanh cho DN. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, qua đó giúp DN quảng bá sản phẩm, tiếp nhận thông tin thị trường. Sở Công Thương có thông tin cảnh báo sớm, hỗ trợ DN phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và có kế hoạch, định hướng tăng trưởng xuất khẩu theo hướng cụ thể, sâu sát theo từng thị trường, ngành hàng thế mạnh của tỉnh.
HẢI YẾN