Cần bảo tồn di sản Hán - Nôm
Di sản Hán - Nôm không chỉ là mối dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, mà còn giúp ích nhiều công tác nghiên cứu về địa văn hóa của vùng đất Bình Định. So với các tỉnh khác như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… di sản Hán - Nôm được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn khá tốt, thì tại Bình Định công tác này chưa được quan tâm nhiều.
Bình Định nổi tiếng là vùng “đất Võ trời Văn”, có nhiều danh nhân nổi tiếng, như Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ, Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Đào Phan Duân… Không những vậy, vùng đất Bình Định cũng đã hun đúc tạo nên nhiều dòng họ khoa bảng và để lại nhiều nguồn tư liệu Hán - Nôm vô cùng phong phú. Trong đó, có thể kể đến như: Các kịch bản hát bội của Đào Tấn, các bản văn tế của Đặng Đức Siêu, các sắc phong quan tước của Trần Đức Hòa, Lê Đại Cang… Ngoài ra, nguồn tư liệu Hán - Nôm đang lưu giữ trong các tộc họ, chùa chiền, đình miếu… còn rất nhiều trên địa bàn tỉnh chưa được tiếp cận, sưu tầm, nghiên cứu bài bản.
Ở Bình Định, hiện có 3 cơ quan nhà nước, gồm: Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ), Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung (Sở VH&TT) có sưu tầm, lưu giữ và biên dịch tư liệu Hán - Nôm để trưng bày, giới thiệu đến công chúng những giá trị lịch sử, văn hóa Bình Định. Song tư liệu Hán - Nôm do các cơ quan này sưu tầm được chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong nguồn tư liệu Hán - Nôm ở Bình Định. Trên thực tế, nhiều tài liệu Hán - Nôm trong cộng đồng lưu giữ, bảo quản không đúng cách đã dần bị hư hỏng, thậm chí thất lạc…
Có thể nói, di sản Hán - Nôm khi được sưu tầm, nghiên cứu bài bản sẽ góp phần làm đầy đặn hơn các giá trị lịch sử, văn hóa của Bình Định. Trong tương lai, tỉnh sẽ có một bảo tàng mới hiện đại, mong rằng tại đây sẽ có một khu trưng bày di sản Hán - Nôm để phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Bình Định.
ĐOAN NGỌC