Lập nghiệp, làm giàu trên vùng đất khó
Ðến thôn 1 (xã An Toàn, huyện An Lão) lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ chăm chỉ, cần cù, gia đình ông Lê Văn Năng (SN 1965, ở thôn Vạn Xuân, xã An Hòa, huyện An Lão) đã biến vùng đất hoang hóa, cây cỏ um tùm thành một trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đầu năm 2012, ông Năng bắt đầu dắt díu vợ con lên xã An Toàn để lập nghiệp. Ông mua 1 ha đất của người dân để canh tác. Khi ấy, nơi đây còn là vùng rừng núi, cây cối rậm rạp, khí hậu ẩm thấp, lắm côn trùng, đất cằn cỗi rất khó canh tác.
Thời điểm đó, ông Năng bắt đầu trồng chanh dây nhưng không thành công. Năm 2015, ông chuyển đổi sang trồng gần 50 cây cam xoàn. Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp KHKT vào chăm sóc nên cây sinh trưởng tốt, sau 2 năm trồng đã cho quả. Từ đó, ông mạnh dạn trồng thêm 70 cây cam xoàn.
Mỗi năm ông thu hoạch hơn 1 tấn cam, thu lời khoảng 50 triệu đồng.
Để xoay vòng vốn, năm 2019, ông mua 10 con heo đen sinh sản về nuôi. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, đàn heo lớn nhanh và sinh sản đều, lúc cao điểm đàn heo có 120 con lớn nhỏ.
Ông Năng phấn khởi chờ đón mùa thu hoạch cam xoàn mới. Ảnh: D.Đ
Nhờ cố gắng, nỗ lực hết sức mình, ông Năng đã biến vùng đất khó thành cơm, giúp gia đình thoát khỏi sự luẩn quẩn của đói nghèo. Hiện tại, với việc trồng cam xoàn, chuối, tiêu, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, huỳnh đàn, nuôi heo đen sinh sản, mỗi năm sau khi trừ chi phí chăm sóc, ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ cuộc sống khốn khó, giờ đây ông đã tạo dựng được nhà ở khang trang, mua sắm xe tải, các thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ cuộc sống.
Ông Năng chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại, trồng thêm nhiều cây ăn quả, nuôi con giống mới; tích cực chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, nuôi heo đen cho người dân bản địa để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm dựa trên lợi thế của vùng, giúp người dân nâng cao thu nhập, xây dựng xã An Toàn ngày càng phát triển hơn”.
DUY ÐĂNG