Sức sống Ðập Ðá
Cái tên Ðập Ðá chính thức xuất hiện từ tháng 5.1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi được nửa chặng đường. Xuất hiện muộn trên bản đồ huyện An Nhơn (nay là TX An Nhơn), tỉnh Bình Ðịnh nhưng tính đến nay sức phát triển của Ðập Ðá có thể nói là đáng kinh ngạc.
Khi ấy (tháng 5.1950) yêu cầu cung cấp hàng hóa cho kháng chiến - kiến quốc ngày càng nhiều, cấp trên quyết định tách phần đất nghề phía Đông Bắc xã Nhơn Hậu (An Nhơn) để lập đơn vị hành chính mới, do tình hình khẩn trương, lại đậm tính đặc thù nên Đập Đá trực thuộc tỉnh quản lý. Đáng chú ý, khác với 12 xã khác đã có ở huyện An Nhơn, đơn vị hành chính mới không mang chữ Nhơn ở trước, mà lấy ý từ tên đập Thạch Đề - đập xi măng đầu tiên ở Trung Kỳ (1916) trên dòng Thạch Yển, nhánh Bắc phái sông Côn - nghĩa là Đập Đá.
1.Là địa bàn tập trung nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ quan, xí nghiệp từ Quy Nhơn sơ tán, về đây hoạt động, cả Đập Đá như một đại công xưởng, tổng kho hậu cần cung cấp những mặt hàng thiết yếu không chỉ cho tỉnh Bình Định mà còn cho cả Liên khu V, nhất là sản phẩm làm ra từ ba làng nghề lớn: Dệt Nam Phương Danh, rèn Tây Phương Danh, đúc Bằng Châu. Đất nghề Đập Đá sản xuất cả vải mặc, nông cụ cầm tay, vũ khí (kể cả đúc lựu đạn), thuốc chữa bệnh, xà phòng, giấy viết, phấn viết, nhạc cụ, và đặc biệt là loại xe đạp cải tiến chở cả tạ hàng đưa ra mặt trận…
Tại trường hát người Hoa ở Đập Đá đã diễn ra “Hội nghị Diên Hồng” gồm cán bộ quân - dân - chính -đảng các tỉnh Nam Trung Bộ, nghe đồng chí Phạm Văn Đồng và cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Trung ương và Chính phủ phổ biến chủ trương toàn quốc kháng chiến. Nhiều cán bộ lãnh đạo trong Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Trung bộ như Nguyễn Chánh, Trần Nam Trung... thường xuyên đến đây để chỉ đạo phong trào.
Cán bộ và nhân dân Đập Đá vừa tập trung làm ra nhiều của cải cung cấp tối đa cho chiến trường và vùng tự do, vừa động viên thanh niên vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Quảng Nam và tham gia quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào (toàn huyện An Nhơn có 15 người thì riêng Đập Đá có 3 người); vừa tăng cường một đại đội dân quân du kích làm nòng cốt xây dựng làng xã chiến đấu, bảo vệ vùng tự do, hậu phương chiến lược của tỉnh và Liên khu V, góp phần đánh Pháp giành thắng lợi.
Một góc phố Đông Bàn Thành ở phường Đập Đá hôm nay. Ảnh: TÔ HỒNG PHƯƠNG
2. Hiệp định Genève về đình chiến ở Đông Dương được ký kết vào ngày 27.4.1954. Đến cuối năm 1954, tại Bả Canh, hai cán bộ lãnh đạo cao cấp là đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Duy Trinh, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ truyền đạt cho cán bộ chủ chốt Khu ủy V và một số tỉnh về thắng lợi của ta trong việc ký Hiệp định, chủ trương chuyển hướng công tác ở miền Nam, động viên cán bộ và nhân dân giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đập Đá nằm trong khu vực tập kết 300 ngày, cầu Đập Đá (cũ) là một trong những điểm được chọn tổ chức bàn giao cho đối phương ở hai bên bờ sông, và là nơi tiễn đưa cán bộ, bộ đội đợt cuối cùng vào ngày 15.5.1955 để xuống cảng biển Quy Nhơn lên tàu tập kết ra miền Bắc.
Nằm ngay trên con đường huyết mạch QL 1, trong khánh chiến chống Mỹ, Đập Đá sớm xây dựng thế trận lòng dân giữa phố thị, nhiều cơ sở trung kiên bảo vệ nuôi giấu cán bộ lãnh đạo bám trụ hoạt động bí mật, là nơi khôi phục chi bộ Đảng sớm nhất trong huyện vào cuối năm 1960. Khi chiến tranh nổ ra, nơi đây từng là chiến trường trọng điểm của các chiến dịch lớn, nhất là mở màn chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bộ đội và quân dân địa phương diễn ra cực kỳ ác liệt trên từng con đường, từng góc phố, kẻ thù thiệt hại nặng nề, nhưng ta tổn thất không ít. Ngôi mộ tập thể ở Tây Phương Danh - di tích kháng chiến, nơi an nghỉ của 154 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng đã nằm lại trên đất trăm nghề, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Rồi chiến dịch Mùa Hè đỏ lửa 1972 diễn ra ngay giữa phố phường Đập Đá, tại đây cờ Giải phóng tung bay trên nóc nhà lầu cao nhất, ta làm chủ 3 ngày liền giữa vòng vây của đối phương… Con người của xứ trăm nghề không những đã giỏi làm lụng cần mẫn, sản xuất chế tạo mà còn anh dũng trên chiến trận, điều này đã đi vào chính sử.
Các làng nghề rèn, đúc, dệt… ở Đập Đá trải qua bao thử thách vẫn vững vàng tìm lối đi lên. - Trong ảnh: Bên trong một lò rèn ở Đập Đá. Ảnh: PHAN MINH THỌ
Ngày 30.3.1975 huyện An Nhơn được giải phóng, thì 9 ngày sau (9.4), sân vận động Đập Đá được chọn làm địa điểm tổ chức trọng thể lễ mít tinh chào mừng quê hương An Nhơn - Bình Định đã sạch bóng quân thù và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện An Nhơn.
Đập Đá là một trong những địa phương sớm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Truyền thống hào hùng ấy đã biến thành sức mạnh tổng hợp trong hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực dựng xây quê hương giàu đẹp.
3.Đập Đá còn có bề dày văn hóa - lịch sử hơn ngàn năm, đến nay vẫn còn đó dấu tích thành chồng lên thành, hai lần xứ sở này là kinh đô của vương triều Champa và triều đại hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc. Đập Đá còn là nơi hội ngộ lịch sử, nơi các dòng văn hóa Việt - Chăm - Hoa giao lưu, hòa quyện, thống nhất, làm nên khí chất con người cần cù, sáng tạo trong xây dựng và phát triển KT-XH.
So với các xã, phường trong thị xã An Nhơn, đến nay Đập Đá là nơi đất hẹp nhất, nhưng dân cư đông đúc nhất, mật độ dân cư dày nhất với hơn 3.310 người/km2, dày hơn cả nhiều phường ở TP Quy Nhơn. Cả phường chỉ có vỏn vẹn 500 ha diện tích tự nhiên, trong đó đất canh tác chưa được một nửa, đất lúa chỉ có 220 ha. Thế nhưng từng ấy đất đã nuôi sống hơn hai vạn dân. Không chỉ có vậy tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, những khu dân cư mới nhanh chóng mọc lên và được lấp đầy, phố nối tiếp phố, nhất là khu đô thị mới Tây Bàn Thành, Đông Bàn Thành, Nam Phương Danh. Đất hẹp người đông, vậy mà qua bao thế hệ từ xa xưa đến ngày nay người dân Đập Đá năng động tiến về phía trước, luôn giữ tốc độ đi lên với mức tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước.
Đến năm 2023, bình quân thu nhập đầu người ở Đập Đá lên đến 88 triệu đồng/năm, cao nhất ở An Nhơn, gần gấp rưỡi mức thu nhập bình quân toàn thị xã. Điểm đặc biệt là tuy đông dân như thế nhưng đến cuối năm 2023 cả phường chỉ còn 39 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ 0,82%, thấp nhất thị xã. Được vậy là nhờ Đập Đá giỏi khai thác tiềm năng, thế mạnh từ công nghiệp - tiểu thủ công và thương mại- dịch vụ. Khách phương xa đến tham quan hoặc liên kết làm ăn đều ghi nhận: Đập Đá rất giỏi trong bắt mạch nhu cầu tiêu dùng, nhạy cảm thích ứng với sự thay đổi của thị trường, đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của thị xã.
Nung khuôn đúc đồng. Ảnh: ĐỖ VĂN ĐÔNG
Có thể thấy được điều này từ các làng nghề rèn, đúc, dệt… trải qua bao thử thách vẫn vững vàng tìm lối đi lên. Hàng nghìn người thợ ở Đập Đá đã nhanh chóng chuyển đổi sang nghề cơ khí, bột nhang, sản xuất hàng inox, nhôm, nhựa, chế biến nông sản thực phẩm… và làm dịch vụ, tiếp tục trụ vững trong cơ chế thị trường.
***
Con người Đập Đá không chỉ có yêu nước và cách mạng, giỏi làm kinh tế, mà còn sống với nhau rất nghĩa tình, cứ mỗi dịp xuân về tết đến, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, các nhà hảo tâm trong phường cùng nhau góp tiền, góp gạo, nhu yếu phẩm để giúp đỡ những người già yếu, cô đơn, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, để ai cũng có tết; không chỉ trong phường trong thị xã mà tấm lòng này còn tỏa lan khắp nơi trong tỉnh.
Khi tôi viết đến những dòng này, lần theo những mốc phát triển của đất và người quê hương lại như vẳng nghe lời chúc của Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lần về thăm Đập Đá vào mùa xuân Bính Tý 1996 - “Đập Đá đã khá càng cố gắng khá hơn, làm cho nhà nhà đều khá lên, giàu lên”. Từ bấy đến nay có thể nói Đập Đá đều đặn khá lên, giàu lên!
TRẦN DUY ĐỨC