Vượt khó khăn, thách thức để trưởng thành
Ngoài gặt hái thành công trong công tác chuyên môn khi tuổi đời còn trẻ, TS Nguyễn Ðức Tôn (SN 1991, quê ở tỉnh Phú Yên, Bí thư Liên chi đoàn khoa Khoa học tự nhiên, Trường ÐH Quy Nhơn) còn là một cán bộ Ðoàn năng động, “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên.
CHỌN THỬ THÁCH ĐỂ TIẾN BỘ
Quan niệm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, anh Tôn cho rằng, thách thức sẽ tôi luyện con người tốt nhất. Điều này càng đúng với những người trẻ - vốn luôn có nhu cầu trau dồi kiến thức lẫn kinh nghiệm sống.
* Từng xuất bản cả sách giáo khoa (SGK) lẫn sách chuyên khảo, vậy quá trình biên soạn hai thể loại trên có sự khác biệt nào không, thưa anh?
- “Chuyên khảo” hiểu nôm na là “chuyên sâu một vấn đề để tham khảo”, thường dùng ở trình độ đại học, cao đẳng; dành cho những bạn đọc đã có hiểu biết nhất định về kiến thức đó.
Trong khi đó, làm SGK lại rất khác. Học sinh có tâm sinh lý, cách tiếp cận khác biệt hoàn toàn. Do vậy, câu từ trong sách cũng nhẹ nhàng, dễ hiểu, gần gũi, ít mang tính hàn lâm, khoa học hơn.
Chính sự khác biệt này đã mang đến một số trở ngại cho tôi. Vốn đã quen viết sách chuyên khảo, lúc chuyển qua biên soạn SGK, tôi ôm đồm “gì cũng muốn đưa vào thật chi tiết, thật dài” nhưng thực tế phải viết ngắn gọn, súc tích, chứa đủ lượng thông tin cơ bản. Phải chỉnh sửa dần, tôi mới tách bạch hai cách viết trên.
* Được trao cơ hội biên soạn SGK khi tuổi đời còn trẻ, chắc hẳn anh đã gặp không ít khó khăn?
- Xuất bản một quyển SGK cần nhiều tác giả trên toàn quốc. Tôi là người miền Trung duy nhất và trẻ nhất trong nhóm tác giả thực hiện bộ SGK Địa lý lớp 12, bộ Cánh Diều, đóng góp một số bài viết độc lập, có tính chuyên môn làm tư liệu phục vụ giảng dạy.
Thú thật, tôi đã từng áp lực bởi đây là lần đầu tiên tôi đảm đương việc biên soạn SGK. Vì tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nên kinh nghiệm viết lách, cách diễn đạt vẫn còn hạn chế. Để khắc phục những thiếu sót ấy, tôi dành nhiều đêm để viết, chỉnh sửa, lắng nghe góp ý từ hội đồng thẩm định.
Đến ngày chính thức ra sản phẩm, tôi hạnh phúc tột độ với cảm giác chinh phục thành công một thử thách “khó nhằn”. Hơn nữa, tôi biết ơn chủ biên, tổng chủ biên là những thầy cô đã tạo nhiều điều kiện để tôi hoàn thành công việc và động viên trong lúc tôi mệt mỏi. Thầy cô dặn dò rằng: Phải cố gắng thật nhiều, vượt qua giới hạn bản thân tự đặt ra để có thể vững vàng hơn, nối tiếp thế hệ đi trước góp sức cho nền giáo dục nước nhà.
TS Nguyễn Đức Tôn trong một giờ lên lớp giảng bài cho sinh viên. Ảnh: D.L
“NGHIÊN CỨU KHÔNG HỀ KHÔ KHAN!”
Với những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt quá trình công tác, anh Tôn khẳng định, luôn có nhiều điều thú vị, hấp dẫn đằng sau những đề tài nghiên cứu. Đồng thời, mỗi công trình đều mang lại giá trị nhất định.
* Xem nghiên cứu là một phần không thể thiếu, vậy anh đã “bén duyên” với lĩnh vực này từ khi nào?
- Khi là sinh viên năm 3, tôi đã bắt đầu nghiên cứu khoa học với đề tài “Đánh giá giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển du lịch biển tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa”. Với đề tài đầu tay này, tôi được trao giải nhất cấp trường và đoạt giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012.
Tôi cho rằng, sinh viên nên vừa học, vừa nghiên cứu để cụ thể hóa các kiến thức thành những đề tài có ích, gắn liền với địa phương, gợi ý những mô hình mới để người dân ứng dụng vào thực tế. Với tôi, đây là ý nghĩa quan trọng hàng đầu của việc nghiên cứu.
Suy nghĩ ấy đã hình thành trong tôi từ sớm và kéo dài đến hiện tại. Là sinh viên chưa được trang bị nhiều kiến thức mà chỉ có sự nhiệt huyết, muốn khám phá hay khi trở thành giảng viên đại học, tôi vẫn yêu việc nghiên cứu vì những giá trị mà nó mang lại.
* Vậy trong suốt những năm tháng nghiên cứu, hẳn anh đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ…
- Để đưa ra kết quả của một đề tài, tôi thường dành 5 - 7 ngày để đi cơ sở, tìm hiểu đời sống của người dân địa phương. Tôi nhớ nhất năm 2014, khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu sinh kế của người dân ở xã đảo Nhơn Châu”, đánh giá chỉ số tổn thương sinh kế của người dân dưới tác động của biến đổi khí hậu cũng như khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, tôi đã dành 6 ngày ở đảo, cùng ăn uống, sinh hoạt với người dân để khảo sát. Khi ấy Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) còn khó khăn, điện và nước chưa đầy đủ như hiện tại, nhưng người dân vô cùng hiếu khách, hỗ trợ nhiệt tình.
Hay như năm 2018, tôi có chuyến đi đến các làng còn khó khăn thuộc huyện vùng cao Vĩnh Thạnh. Tôi ở đó cả tuần, mon men hỏi chuyện, nghe người dân chia sẻ về việc học tập, sinh hoạt, cách nhìn nhận một số vấn đề về cuộc sống. Nhờ đó, tôi hiểu hơn về văn hóa, nếp sống của họ - điều mà không một quyển sách hay tư liệu nào có thể mang lại được.
Xuất phát từ mục đích khảo sát, chuẩn bị tư liệu để nghiên cứu nhưng thực tế, giá trị mà những chuyến đi ấy mang lại cho tôi còn hơn nhiều. Đó là vốn sống, sự cảm thông và mở mang tầm mắt.
ĐOÀN, HỘI LÀ CÁNH CỬA ĐẦY MÀU SẮC
Bận rộn với giảng dạy, nghiên cứu là vậy, anh Tôn vẫn dành thời gian cho công tác Đoàn, Hội. Với anh, đó là cánh cửa đầy màu sắc, chứa đựng nhiều bài học và kỷ niệm đáng nhớ.
* Tham gia công tác Đoàn, Hội với vai trò giảng viên, chắc hẳn sẽ rất thú vị với một người trẻ như anh?
- (Cười) Dù là giảng viên, tôi vẫn là một người trẻ nên tất nhiên sẽ rất hào hứng trước những hoạt động sôi nổi của Đoàn, Hội!
Khi tham gia công tác thanh niên, tiếp xúc với nhiều sinh viên, tôi thấy mình như trẻ hơn, tràn đầy sức sống và năng lượng tích cực. Trên giảng đường, tôi là giảng viên nhưng khi cùng các bạn sinh hoạt, tôi chỉ như người anh lớn, không ngại hướng dẫn các bạn một số kỹ năng cần thiết hay cùng xắn tay áo, hỗ trợ người dân trong các chiến dịch tình nguyện.
Nói cách khác, công tác Đoàn, Hội giúp tôi thấy mình trẻ mãi, rút gần khoảng cách với sinh viên. Thậm chí, với sự sáng tạo không ngừng của thế hệ “gen Z”, tôi thấy mình cũng cần học từ các bạn nhiều điều. Do vậy, tôi luôn cân bằng thời gian biểu để vừa giảng dạy, nghiên cứu lẫn tham gia các hoạt động cùng ĐVTN.
TS Nguyễn Đức Tôn (giữa) tại chương trình tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp tỉnh năm 2023. Ảnh: NVCC
* Có người từng nói, những năm tháng sinh viên đẹp đẽ nhất là khi khoác lên chiếc áo màu xanh thanh niên. Anh nghĩ sao về điều này?
- Như tôi đã chia sẻ, không chỉ sinh viên mà ngay cả giảng viên như tôi cũng tìm thấy nhiều niềm vui từ màu áo xanh của Đoàn. Ở đó, những bài học về kỹ năng mềm, mối quan hệ bạn bè, các thế hệ đoàn viên được mở rộng, tạo thành vòng tròn bạn bè đa dạng và sôi nổi, sẵn lòng giúp đỡ nhau trong mỗi chuyến lên rừng, xuống biển trong các chiến dịch tình nguyện…
Bởi vậy, dễ hiểu khi không ít sinh viên khi ra trường nhớ nhất vẫn là những ngày tháng tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Thành thật mà nói, khó khăn, vấp ngã là có nhưng đi kèm với đó là sự trưởng thành, vững vàng, hoàn thiện bản thân hơn theo thời gian.
* Cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe và giữ vững đam mê với nghề!
Một số thành tích của TS Nguyễn Đức Tôn:
- Là thành viên tác giả SGK Địa lý lớp 12, bộ Cánh Diều (Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào sử dụng ở trường THPT năm học 2024 - 2025); Xuất bản sách chuyên khảo “Mức sống dân cư - Cơ sở lý luận và thực tiễn (trường hợp nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bình Định)” với vai trò chủ biên.
- Có 2 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp tỉnh với vai trò là thành viên chính, 2 đề tài cấp trường với vai trò chủ nhiệm; đã công bố 28 bài báo khoa học tại các hội nghị khoa học quốc tế, quốc gia và tạp chí khoa học uy tín.
- Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp tỉnh năm 2023, Giải thưởng Ngô Mây năm 2023…
DƯƠNG LINH (Thực hiện)