DỰ ÁN TUYẾN ÐƯỜNG TRÁNH ÐT 633, ÐOẠN TỪ NÚI GHỀNH ÐẾN GIÁP ÐT 639:
Giải phóng mặt bằng chậm, tỷ lệ giải ngân thấp
So với 9 dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh, quy mô dự án tuyến đường tránh ÐT 633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ÐT 639) qua địa bàn huyện Phù Cát thuộc diện nhỏ nhất, số hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi dự án cũng không nhiều. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng và công tác giải ngân vốn đầu tư của dự án này lại chậm nhất.
Dự án tuyến đường tránh ĐT 633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển thuộc địa bàn huyện Phù Cát dài 3,53 km, có tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng. Trong đó, phần xây lắp 219 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện và 60,7 tỷ đồng dành cho việc giải phóng mặt bằng (GPMB) do UBND huyện Phù Cát thực hiện. Có 208 hộ dân và 154 ngôi mộ của người dân ở 2 thôn: Chánh Lợi và Ngãi An, xã Cát Khánh nằm trong phạm vi của dự án cần phải đền bù, GPMB. Công tác này đã được huyện Phù Cát chủ động triển khai từ cuối năm 2022, nhưng gặp nhiều khó khăn, trắc trở, nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù, tháo dỡ công trình kiến trúc, bàn giao mặt bằng.
Đến ngày 3.4, huyện Phù Cát mới chi trả 36,4 tỷ đồng tiền đền bù cho 187 hộ dân có đất, nhà ở bị ảnh hưởng và đền bù di dời 128 ngôi mộ nằm trong phạm vi dự án; bàn giao mặt bằng tuyến chính cho chủ đầu tư được 2,9 km/3,53 km. Hiện đoạn đường tuyến chính của dự án thuộc địa bàn thôn Ngãi An có rất nhiều nhà ở, công trình kiến trúc và cây cối trên đất của người dân vẫn còn nguyên.
Nhiều đoạn đường không vướng mặt bằng đang được các nhà thầu khẩn trương thi công. Ảnh: T.SỸ
Có một phần ngôi nhà kiên cố nằm trong phạm vi tuyến chính dự án phải tháo dỡ, ông Lê Văn Vương, ở thôn Ngãi An, cho biết: Tôi đã nhận tiền đền bù phần diện tích 10 m2 phía cuối nhà. Phần diện tích bị ảnh hưởng có các công trình phụ gắn kết với các gian nhà, cần có thời gian để tháo dỡ, thiết kế và xây dựng lại. Khi nào địa phương yêu cầu tháo dỡ, bàn giao mặt bằng tôi sẽ thực hiện.
Theo chính quyền địa phương, phần lớn số hộ còn lại chưa nhận tiền đền bù, chưa tháo dỡ công trình kiến trúc để bàn giao mặt bằng đều ở thôn Ngãi An. Lý giải về sự chậm trễ trong công tác đền bù, GPMB, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho hay: Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án lấy lý do đã ổn định cuộc sống, không muốn đền bù, GPMB. Một khó khăn khác là người dân không muốn di dời phần mộ của dòng tộc, người thân đi nơi khác, dù điểm di dời không xa với địa điểm cũ. Ngoài ra, nhiều diện tích đất, công trình kiến trúc trên đất hiện hữu chênh lệch lớn so với diện tích đã được cấp quyền sử dụng, có diện tích đất đã được mua bán, đổi chủ theo hình thức sang tay. Điều này làm mất nhiều thời gian cho việc kiểm tra xác minh nguồn gốc, diện tích đất, cây trồng, kiến trúc trên đất. Cũng có nhiều hộ dân cho rằng giá tiền đền bù của nhà nước còn thấp, nên đắn đo, suy nghĩ chưa đưa ra quyết định nhận tiền đền bù. Có trường hợp thống nhất chủ trương của Nhà nước, mới chiều hôm trước đã chấp nhận nhận tiền đền bù, trao trả mặt bằng, nhưng sáng hôm sau Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện mời đến nhận tiền thì lại không đồng ý, dẫn đến việc chi trả tiền đền bù kéo dài.
Công tác đền bù, GPMB chậm đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành tuyến đường này trong năm 2024, nên yêu cầu các nhà thầu có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó. Tuy vậy, đối với đoạn đường còn lại dài hơn 500 m ở thôn Ngãi An thì chịu, vì có quá nhiều nhà ở, công trình kiến trúc trên đất, cây cối hoa màu của dân nằm ngay trên trục đường chính chưa được đền bù, tháo dỡ. Ban yêu cầu các nhà thầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật liệu, khi địa phương bàn giao mặt bằng thì thi công ngay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã Cát Khánh tiếp tục đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động, lắng nghe ý kiến của người dân. Những kiến nghị, đề xuất hợp tình, hợp lý thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện thì huyện xử lý ngay; trường hợp vượt thẩm quyền của địa phương thì báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Khi đã tuyên truyền, vận động, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp nhưng người dân vẫn không nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, buộc UBND huyện phải tổ chức cưỡng chế. Chúng tôi quyết tâm giải quyết dứt điểm công tác đền bù, GPMB trong tháng 4 này, không để dây dưa thêm.
PHẠM TIẾN SỸ