Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác chống khai thác IUU ở Cảng cá Đề Gi
(BĐ) - Sáng 9.4, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, làm Trưởng đoàn đi khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Dịp này, Đoàn gặp gỡ, thăm hỏi, động viên ngư dân và các tổ chức, cá nhân đồng hành trong công tác chống khai thác IUU.
Các lãnh đạo thị sát Cảng cá Đề Gi. Ảnh: N.T
Cùng đi với Đoàn, về phía tỉnh Bình Định có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Đề Gi với Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT. Ảnh: N.T
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị tại Cảng cá Đề Gi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan biểu dương nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo, ngư dân Bình Định nói chung và của huyện Phù Cát nói riêng trước cơ hội được xem là cuối cùng để gỡ “thẻ vàng” IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam khi đoàn kiểm tra của EC sang Việt Nam kiểm tra (dự kiến trong tháng 5 tới).
Chủ động tiếp cận ngư dân tại buổi gặp mặt sau đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn được lắng nghe thật nhiều ý kiến từ bà con. “Ngư dân chính là những người làm nên nghề cá Việt Nam, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản của đất nước. Chính vì vậy, phải đối xử với bà con ngư dân như những người tham gia vào công cuộc phát triển đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.
Trên tinh thần cởi mở, chân tình, nhiều ngư dân của huyện Phù Cát cho biết, huyện, xã, thôn đã triển khai rất nhiều giải pháp để vận động ngư dân khai thác thủy sản không vi phạm vùng biển nước ngoài. “Chúng tôi đề nghị cần có biện pháp mạnh hơn để xử lý triệt để những trường hợp vi phạm, làm ảnh hưởng đến những ngư dân luôn nỗ lực chấp hành đúng quy định như chúng tôi”, ngư dân Dương Chí Xứ (xã Cát Khánh) nói.
Có hơn 40 năm bám biển, giờ vẫn cho con tiếp tục vươn khơi, ngư dân Ngô Thanh Long ở thị trấn Cát Tiến tỏ ra trăn trở khi nhận thấy nguồn lợi thủy sản không dồi dào như trước. “Ngư dân nếu không đánh bắt thì không biết làm gì. Tôi mong các cấp, ngành có giải pháp chuyển đổi nghề, hỗ trợ bà con đảm bảo đời sống”, ông Long đề xuất.
Một số ý kiến đề nghị đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân, giúp số ngư dân không đánh bắt được tránh tình trạng vay mượn, nợ nần; có giải pháp hỗ trợ số tàu thuyền dưới 15 mét để họ yên tâm bám biển, có thu nhập...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi sức khỏe ngư dân huyện Phù Cát. Ảnh: N.T
Lắng nghe mọi tâm tư của ngư dân, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của bà con trong việc tuân thủ chỉ đạo, quy định liên quan đến chống khai thác IUU. Nêu ra con số khoảng 6.000 tàu của tỉnh, nếu cứ lũ lượt ra khơi đánh bắt thì sẽ rất khó để đảm bảo thời gian tái sinh của nguồn lợi thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Tuấn cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ rà soát lại, ngư dân nào còn tâm huyết thì tiếp tục bám biển, số còn lại tỉnh sẽ hỗ trợ để chuyển đổi nghề. Phải làm sao để trong một gia đình có người đi biển, người làm trong bờ. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường phát triển nuôi biển (nuôi trồng thủy sản trên biển).
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thông tin về kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân của tỉnh. Ảnh: N.T
“Nuôi trồng trên biển và chuyển đổi nghề để giúp bà con ngư dân ổn định cuộc sống. Chúng ta vẫn đánh bắt trên biển nhưng vẫn tham gia bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cảm ơn tâm huyết bám biển của ngư dân Bình Định và chia sẻ những khó khăn hiện tại của bà con. Ông nhắc đến câu “con sâu làm rầu nồi canh” và đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh suy nghĩ “con sâu” đang ở đâu, làm sao phát hiện ra nó để nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU của Bình Định thành hiện thực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận nỗ lực của ngư dân trong phát triển KT-XH của tỉnh, đất nước. Ảnh: N.T
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: Hành động của kẻ xấu không nguy hiểm bằng sự im lặng của người tốt. Người tốt ở trong xóm, trong làng, trong gia đình, dòng họ của “con sâu” đó. Tôi tin tưởng, tàu thuyền của ngư dân Bình Định dù có đi đâu, đậu ở cảng nào thì gia đình, dòng họ của họ cũng vẫn ở đây. Vậy nên, tôi mong, mọi người hãy lên tiếng, tích cực tuyên truyền chủ trương hoặc có thể thông tin đến cơ quan chức năng thực trạng của “con sâu”. Đừng nghĩ như vậy là chuyện không nên mà hãy xem là hành động có trách nhiệm với biển, với quê hương, đất nước. Nhất định phải đi tìm “con sâu”, nhất định rằng “nói phải củ cải cũng nghe”. Còn nếu đối tượng đó nói mãi không nghe thì cũng cần lọc lựa để có giải pháp xử lý phù hợp, chứ không thể để “làm rầu nồi canh” mãi được.
Ngư dân phấn khởi khi nhận quà của Bộ trưởng. Ảnh: N.T
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn tặng quà và động viên ngư dân. Ảnh: N.T
Ngư dân huyện Phù Cát phấn khởi khi được lãnh đạo các cấp quan tâm, chia sẻ khó khăn và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Ảnh: N.T
Ngư dân Dương Chí Xứ (xã Cát Khánh) đề nghị có biện pháp mạnh với những đối tượng cố ý vi phạm quy định IUU. Ảnh: N.T
Dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác thị sát Cảng cá Đề Gi, tặng quà cho một số ngư dân khó khăn và làm việc với UBND tỉnh về các giải pháp để gỡ thẻ vàng của EC.
IUU (tiếng Anh là Illegal, Unreported and Unregulated fishing, viết tắt là IUU) có nghĩa là khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống IUU.
Để chống lại hoạt động khai thác IUU, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Quy định số 1005/20081, có hiệu lực từ ngày 1.10.2010, qua đó thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU.
NGỌC TÚ