Chống khai thác IUU là để phát triển nghề cá Việt Nam bền vững chứ không phải để đối phó với EC
(BĐ) - Đây là nội dung được đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh vào ngày 9.4 về tình hình, kết quả chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tại tỉnh Bình Định.
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, chính quyền các địa phương liên quan của tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: N.T
Thời gian qua, Bình Định đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Nhờ đó, tính đến ngày 31.3, toàn tỉnh có 5.311 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên được đăng ký, trong đó 5.003 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản, chiếm 94,20% (tăng thêm 3,91% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng thêm 10,20% so với thời điểm đầu năm 2023).
Bộ trưởng đánh giá Bình Định làm tốt công tác chống khai thác IUU, có một số mô hình rất đáng để các tỉnh, thành và cả Bộ tham khảo, học tập. Ảnh: N.T
100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác hải sản được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Trực ban hệ thống Trạm bờ 24/24 đã phát hiện 57 lượt tàu vượt ranh giới cho phép trên biển (năm 2023 có 48 lượt, 3 tháng đầu năm 2024 có 9 lượt), đã thông báo và yêu cầu toàn bộ 57 tàu cá quay về vùng tự do đánh bắt của Việt Nam an toàn.
Đồng thời, phát hiện và cảnh báo 1.990 lượt tàu mất kết nối trên 6 giờ trong quá trình hoạt động trên biển. Xử lý 59 tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU...
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cho biết, cả hệ thống chính trị của Bình Định đã tích cực và quyết liệt vào cuộc chống khai thác IUU, với rất nhiều giải pháp tâm huyết. Ảnh: N.T
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa thể chấm dứt hẳn tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, công tác quản lý tàu cá hoạt động vùng lộng ngoài tỉnh (tàu cá dưới 15m) chưa thực sự hiệu quả. Chưa giải quyết dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá chưa đăng ký do vướng quy định hiện hành.
Để góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng thủy sản của EC, tỉnh Bình Định sẽ tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, xử lý nghiêm tàu cá chưa đăng ký và không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Ban hành chính sách chuyển đổi nghề và xả bản đối với nhóm tàu cá cũ có chiều dài dưới 15m thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp với kết quả thực hiện chống khai thác IUU, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị, địa phương...
Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan cũng đã báo cáo về tình hình thực hiện chống khai thác IUU và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đạt được kết quả như mong muốn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc báo cáo tình hình, kết quả chống khai thác IUU của tỉnh. Ảnh: N.T
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định ý thức và trách nhiệm rất cao trong công tác phòng, chống khai thác IUU, luôn đồng lòng và rất quyết tâm, cùng với 27 tỉnh, thành còn lại trong nước, thuyết phục EC gỡ “thẻ vàng”.
“Toàn bộ hệ thống chính trị của Bình Định đã rất tích cực vào cuộc chống khai thác IUU. Các đồng chí lãnh đạo các cấp, địa phương, lực lượng chức năng đã xuống tận nơi, triển khai rất nhiều biện pháp, nghiêm khắc có, động viên có, nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tôi cho rằng cần thiết triển khai giải pháp “cấm biển”. Bình Định có hơn 100 tàu có nguy cơ cao do từng vi phạm, gia đình đang nợ nần nhiều, cả một số người có lòng tham…”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn đề xuất với Đoàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề xuất với Bộ trưởng giải pháp lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu từ 12m đến dưới 15m và xem xét quy trách nhiệm của cảng cá để xảy ra việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, theo phương thức 50/50 - tức là chủ tàu vi phạm đóng 50% tiền phạt, cảng cá mà tàu đó xuất bến phải nộp 50% tiền phạt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nhìn một cách tích cực thì IUU đang làm cho chúng ta thực hiện gấp rút hơn một số quy định đã có trong Luật Thủy sản 2017. “Chúng ta làm tốt việc chống IUU cũng đồng thời chúng ta giải quyết luôn cho vấn đề của ngành thủy sản, định hướng tương lai cho nghề cá Việt Nam, hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vì sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam. Thống nhất quan điểm như vậy, chúng ta cùng nhau nỗ lực, tích cực xử lý hiệu quả những vấn đề chống khai thác IUU và nghĩ đến những giá trị mới, khi EC “gỡ” thẻ vàng, thì chúng ta cũng có bước phát triển mới”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đánh giá về chuyến công tác lần này tại Bình Định, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh có những mô hình cần được truyền thông rộng rãi để cả nước tham khảo, học tập; cả Bộ cũng thấy có một số vấn đề đáng tham khảo.
“Nhiều ngư dân nói, họ đã làm rất tốt. Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy các ngư dân ở Đề Gi đã nỗ lực rất nhiều và nguyện vọng tìm ra “con sâu làm rầu nồi canh” để đừng ảnh hưởng xấu đến họ là hết sức chính đáng. Vậy vấn đề là "con sâu" nằm ở đâu. Tôi tin mọi khó khăn luôn có giải pháp. Tôi đề nghị, phải tư duy hệ thống, hành động hệ thống, để có được hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng nói.
Một số đơn vị liên quan chia sẻ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác chống khai thác IUU. Ảnh: N.T
Dịp này, ngoài nội dung liên quan chống IUU, Sở NN&PTNT cũng báo cáo một số kết quả, nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất liên quan các lĩnh vực khác với Đoàn công tác của Bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét lại chính sách chuyển đổi rừng hiện hành, theo hướng cho phép thay diện tích trồng cây keo thành cây ăn quả để làm được vùng nguyên liệu lớn; vấn đề chuyển đổi rừng ven biển để phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn; chính sách trồng rừng gỗ lớn cần được khuyến khích thêm; chính sách chuyển đổi nghề cần được đẩy mạnh.
“Tỉnh đang loay hoay với việc phát triển nuôi biển, nhờ các chuyên gia của Cục Thủy sản giúp chúng tôi, có thể tính đến chuyện làm thí điểm một số mô hình trong thời gian tới…”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn bày tỏ mong muốn.
NGỌC TÚ