Triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định: Còn nhiều "hạt sạn" đáng tiếc
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang tổ chức triển lãm Sự hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định (5.4 - 30.6.2024) tại số 12 Mai Hắc Đế, TP Quy Nhơn, nhằm giới thiệu, quảng bá Bình Định là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII và là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Thế nhưng, nhiều “hạt sạn” của Triển lãm vô tình làm mất vai trò của Nước Mặn - Bình Định trong việc sáng tạo ra đời chữ Quốc ngữ.
Chúng tôi xin nêu vài sai sót.
Ngay pa nô đầu tiên giới thiệu triển lãm, đã ghi thông tin sai nghiêm trọng: “Bình Định là một trong những nơi phôi thai, khởi nguyên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”. Sau nhiều Hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đã chứng minh: Bình Định - địa phương duy nhất có đủ cơ sở khoa học xác nhận là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ sớm nhất vào những năm 1618 - 1622.
Nhà in Làng Sông/Quy Nhơn là một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng nó không phải là “cái nôi của chữ Quốc ngữ”.
Ở một pa nô khác ghi: “nhà in Làng Sông, một trong ba nhà in đầu tiên của Việt Nam và cũng là “cái nôi” của chữ Quốc ngữ”, điều này cũng không chuẩn xác. Nhà in Làng Sông/Quy Nhơn là một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam (cùng nhà in Nhà Chung - Sài Gòn và nhà in Kẻ Vĩnh - Hà Nội) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng nó không phải là “cái nôi của chữ Quốc ngữ”.
Tài liệu Manuductio ad Linguam Tunckinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài) mà Triển lãm trưng dẫn, ghi của tác giả Pina là sai. Vì Pina chết năm 1625 tại Hội An trước khi Công giáo mở đạo ở Đàng Ngoài (1627). Hơn thế nữa, Pina chưa hề đặt chân ra đến Đàng Ngoài, cho nên rất khó nói Pina là người viết Nhập môn tiếng Đàng Ngoài. Với tài liệu này, chữ Quốc ngữ đã khá hoàn chỉnh, không phải chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai... Thực tế cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác tác giả Manuductio ad Linguam Tunckinensem là ai, soạn vào thời gian nào? Và chưa tìm thấy nguồn sử liệu hay bằng chứng khoa học nào xác định là của Pina viết năm 1623.
Triển lãm vẫn còn nhiều thông tin sai lệch khác chúng tôi không thể dẫn hết ra đây.
Dù vậy, với tất cả niềm tự hào về một điều riêng có rất lớn của quê hương Bình Định xin nói rõ, trong 500 năm trở lại đây, một trong vài thành tựu văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam, đó là sự ra đời chữ Quốc ngữ. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đang triển khai lập thiết kế quy hoạch xây dựng, tôn tạo khu di tích Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, di tích độc đáo, riêng có của Bình Định.
Đến nay ta đã khẳng định “Nước Mặn - Bình Định là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” chứ không phải là “một trong những nơi phôi thai”.
Nhận thức là một quá trình, để đi đến xác định khoa học này là một quá trình nghiên cứu, tranh luận học thuật khá dài và gian nan tại nhiều hội thảo khoa học về lịch sử chữ Quốc ngữ được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành: Hội An - Quảng Nam (2002), Phú Yên (2015), Quy Nhơn - Bình Định (1.2016), Điện Bàn - Quảng Nam (7.2016), Đà Nẵng (2020), Tam Kỳ - Quảng Nam (2021).
Tài liệu Manuductio ad Linguam Tunckinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài) mà Triển lãm trưng dẫn, ghi của tác giả Pina là sai.
Tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ tổ chức tại TP Quy Nhơn (1.2016), GS Phan Huy Lê đã tổng kết: “Chữ Quốc ngữ là một dòng sông được tạo bởi nhiều con suối. Ba trung tâm đã góp phần vào quá trình này là Nước Mặn, Hội An, Dinh Chiêm. Có thể coi đó là ba dòng suối đầu tiên tạo nên dòng sông chữ Quốc ngữ. Nếu xem xét sâu hơn về những chứng cứ văn bản có chữ Quốc ngữ thì trong ba trung tâm đó, trung tâm Nước Mặn có phần sớm hơn” và “Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An, Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”. (Bình Định với chữ Quốc ngữ. Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr. 618).
Christoforo Borri viết Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong viết trong giai đoạn 1618 - 1622 chứ không phải 1818 - 1822 như Triển lãm đã trưng bày.
Cuối năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển (1471 - 2021) tại TP Tam Kỳ (12.2021). Khác với Hội thảo những lần trước vốn có khá nhiều tham luận cho rằng “cái nôi chữ Quốc ngữ”, “nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ” ở Thanh Chiêm - Quảng Nam. Với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học từ các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH, các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước, tại Hội thảo không có tham luận nào viết rằng chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm - Quảng Nam (chúng tôi nhấn mạnh). Tham luận duy nhất của Hội thảo bàn về chữ Quốc ngữ là tham luận xác định “Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” của hai tác giả Nguyễn Thanh Quang - Lm. Gioan Võ Đình Đệ. Và tham luận này là 1 trong 7 tham luận được Ban tổ chức mời báo cáo trực tiếp tại Hội thảo (Kỷ yếu Hội thảo được UBND tỉnh Quảng Nam xuất bản, Nxb Đà Nẵng, 2022).
Như vậy, sau hàng chục năm tranh luận học thuật, tổ chức nhiều hội thảo khoa học, việc xác định Nước Mặn - Bình Định là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ (chúng tôi nhấn mạnh) không những đã thuyết phục được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, mà còn thuyết phục được UBND tỉnh Quảng Nam và đang được bạn đọc cả nước rất quan tâm.
Vậy thì căn cứ vào đâu và vì lý do gì Trung tâm Lưu trữ tỉnh lại “cào bằng” vai trò của Nước Mặn - Bình Định với những nơi khác trong vấn đề phôi thai sáng tạo chữ Quốc ngữ khi khẳng định “Nước Mặn - Bình Định chỉ là một trong những nơi phôi thai”. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi xin mạo muội trao đổi, mong rằng, Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh rà soát chỉnh sửa kịp thời, giúp người xem hiểu đủ, hiểu đúng về vai trò của Bình Định với chữ Quốc ngữ. Vì lẽ từ Triển lãm này, nhiều đơn vị, cơ quan truyền thông đã đưa tin, viết bài, quảng bá sai lệch, có thể kể đến: https://snv.binhdinh.gov.vn, https://www.vietnam.vn, https://baomoi.com, https://www.sggp.org.vn, https://baogialai.com.vn...
NGUYỄN THANH QUANG - LM. GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ