Huy động các nguồn lực phát triển bền vững kinh tế biển
(BĐ) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ tổ chức sáng 12.4, tại Hà Nội. Kỳ họp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; điểm cầu Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì; điểm cầu Bình Định do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Đại biểu tại điểm cầu Bình Định tham dự kỳ họp. Ảnh: V.L
Theo báo cáo, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, điều kiện cơ sở hạ tầng KT-XH của các địa phương vùng ven biển có sự thay đổi rõ rệt; đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển đạt 97,2 triệu đồng.
Kinh tế hàng hải đạt nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT. Cả nước hiện có 110 cảng biển với tổng năng lực thông qua trên 328 triệu tấn/năm. Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH; tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 8,8 tỷ USD năm 2018 lên hơn 10,9 tỷ USD vào năm 2022.
Ngoài ra, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích hơn 871 nghìn ha. 27/28 tỉnh, thành phố ven biển có các đô thị dọc tuyến đường ven biển; cả nước có 600 đô thị ven biển. Năng lượng tái tạo; khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản biển và các ngành kinh tế biển mới được thúc đẩy, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kinh tế biển là vấn đề liên ngành, liên vùng. Các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương ven biển cần phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các nguồn lực phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và tích hợp vào các thể chế, chính sách liên quan. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Bộ TN&MT thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển vùng bờ.
Bên cạnh đó, Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển. Kiến nghị, đề xuất phương án giải quyết các vấn đề, vướng mắc giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
VĂN LỰC