Miệt mài hành trình “sửa lỗi” cho trái tim thơ
Với tinh thần y khoa dấn thân, không chỉ tập trung nghiên cứu, nắm bắt kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh hiện đại, nhiều năm nay, bác sĩ Ðỗ Nguyên Tín và các đồng nghiệp, học trò của mình rong ruổi khắp nơi để “bắt nhịp”, “sửa lỗi” những trái tim thơ. Hàng nghìn trẻ đã được khám tầm soát, nhiều trẻ được phát hiện bệnh và điều trị miễn phí.
Sự sống con người luôn được ưu tiên
Tháng 3 vừa qua, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín cùng học trò, đồng nghiệp thực hiện tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho hơn 2.000 trẻ em ở huyện Hoài Ân. Những em mắc bệnh sẽ được tài trợ điều trị miễn phí. Trước đó, bác sĩ Tín và đồng nghiệp đã có gần 20 chuyến đi đến các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Đắk Nông, Quảng Ngãi... để khám sàng lọc, tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho các em nhỏ.
* Điều gì đã thôi thúc ông đến với các vùng quê nghèo để tầm soát bệnh tim bẩm sinh trong điều kiện thời gian hạn hẹp với lịch trình làm việc dày đặc?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên hiểu rõ sự khó khăn, thiếu thốn của bà con, nhất là về chăm sóc sức khỏe. Thử nghĩ, hơn 2.000 em nhỏ được tầm soát ở huyện Hoài Ân, có mấy em có điều kiện vào TP Hồ Chí Minh để siêu âm tim. Chưa kể thời gian đi lại, chờ đợi rất vất vả và tốn kém. Cho nên, thay vì ngồi một chỗ chờ bệnh nhân đến, tôi cùng học trò, đồng nghiệp tìm về với bệnh nhân.
Hơn nữa, trong quá trình công tác, tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa đến bệnh viện thì đã trễ, dù có điều trị thành công vẫn không thể phục hồi như bình thường được. Rất xót xa khi phải chứng kiến cảnh đó. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh tim bẩm sinh sẽ đơn giản và người bệnh phục hồi tốt hơn.
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín siêu âm sàng lọc bệnh tim cho trẻ ở huyện Hoài Ân. Ảnh: T.K
* Ông có thể chia sẻ ký ức về ngày đầu hiện thực hóa ý định khám sàng lọc tim bẩm sinh ở cộng đồng?
- Khoảng năm 2012, tôi chợt nghĩ tại sao mình không chủ động tầm soát tim bẩm sinh ở những nơi khó khăn. Tôi gom tiền mua máy siêu âm xách tay. Những lúc về quê, thăm hỏi ai đó hoặc đi đâu tôi đều mang máy theo và tập hợp mọi người xung quanh lại để tầm soát. Nhưng một mình tôi cũng không thể khám được cho nhiều người. Từ đó tôi nghĩ tại sao không làm với quy mô lớn hơn. Sau đó, một số bác sĩ và những anh em ở ngành nghề khác cũng chung tay.
Qua hoạt động này, nhiều bác sĩ trẻ cũng có cơ hội thể hiện lòng tốt. Tranh thủ ngày cuối tuần, các em về cơ sở triển khai khám tầm soát. Vừa đến nơi các em phải bắt tay vào làm luôn chứ không nghỉ ngơi. Dù vậy, đáng mừng là em nào cũng vui vẻ, nhẹ nhàng với bệnh nhân. Hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ có đầy đủ tất cả nhưng thiếu thông cảm với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hay la, hay nạt bệnh nhân. Những chuyến đi như vầy giúp các em thấy cuộc sống của nhiều người còn khó khăn để thương và bao dung với bệnh nhân hơn.
* Có phải điểm đặc biệt của chương trình thiện nguyện ông đang làm là sự “trọn gói”...
- Tôi nghĩ mọi người trên đời này đều phải có duyên mới gặp được nhau. Với các cháu nhỏ cũng vậy, nếu có duyên gặp thì chúng tôi phải chăm sóc tới nơi tới chốn. Sau khi khám tầm soát, đối với các cháu phát hiện bệnh được chỉ định can thiệp, chúng tôi sẽ làm hồ sơ để đưa cháu đến điều trị tại một số trung tâm tim mạch lớn ở TP Hồ Chí Minh. Không chỉ chi phí điều trị, các cháu và người nhà còn được hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại.
Cũng may chúng tôi có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ trên hành trình chưa thấy điểm dừng này. Nếu đưa ra chỉ định nhưng gia đình không thể xoay xở chi phí để điều trị, sức khỏe cháu bé vẫn vậy thì cũng không có ý nghĩa gì.
* Nói về cảm xúc, lần khám bệnh tại quê hương Hoài Ân có gì khác với những lần khám ở nơi khác không, thưa ông?
- Tôi đã lỡ hẹn với Hoài Ân nhiều lần nên khi có cơ hội là về ngay. Dù vậy, đối với tôi, sự sống con người luôn được ưu tiên nên ở Hoài Ân hay ở địa phương khác, đất nước khác, tôi vẫn mong phát hiện được những cháu nhỏ mắc bệnh trong cộng đồng để điều trị kịp thời.
Ở Hoài Ân, ban đầu chúng tôi dự kiến khám cho 1.500 cháu nhưng khi hết giờ các cháu vẫn đến. Do vậy, thay vì khám trong vòng 1,5 ngày như kế hoạch, chúng tôi đã khám trong 2 ngày. Dù còn bận rất nhiều việc nhưng các cháu đến, chúng tôi không đành lòng ngưng được. Và ở nơi khác cũng vậy, chúng tôi cố gắng sàng lọc được nhiều nhất có thể, những mong các cháu có bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín khám cho một bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh trước khi làm can thiệp tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: NVCC
Chủ động nắm bắt, tích cực hỗ trợ
Liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh. Không chỉ vậy, ông còn chủ động hỗ trợ điều trị, chuyển giao kỹ thuật cho một số quốc gia trên thế giới.
TS.BS Đỗ Nguyên Tín sinh năm 1973, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Ông hiện là Chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TP Hồ Chí Minh, Trưởng Đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, giảng viên ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
* Không chỉ trong nước, tinh thần y khoa dấn thân của ông còn được thể hiện vượt khỏi biên giới Việt Nam…
- Myanmar là điểm đến mới nhất của tôi. Ở đây, vì một số lý do khách quan, tỷ lệ bác sĩ, giáo viên nghỉ việc rất nhiều. Cả nước 60 triệu dân nhưng chỉ có một phòng can thiệp tim bẩm sinh. Đợt đó, tôi và Th.S, BS Đào Anh Quốc (Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh) can thiệp đến 51 ca trong 3 ngày. Đó đều là những bệnh nhân nặng. Vốn dĩ theo kế hoạch tôi chỉ ở đó trong 2 ngày, nhưng lượng bệnh nhân nặng nhiều nên phải ở lại thêm, nếu mình từ chối thì bệnh nhân sẽ mất đi sự sống. Không chỉ điều trị cho bệnh nhân, chuyến đi còn để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho êkip can thiệp của Myanmar.
Ngoài Myanmar, chúng tôi còn đến Philippines, Malaysia, Nepal, Pakistan, Iran... và cả những đất nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia... với tinh thần hỗ trợ và học hỏi. Những kiến thức, kỹ năng họ chưa có thì mình hỗ trợ, như chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật thông liên thất cho Trường ĐH Showa (Nhật Bản). Cùng với đó, tôi cũng chủ động xách balô lên và đi để nắm bắt, học hỏi những kiến thức mới.
* Được biết, vừa qua ông và đồng nghiệp đã thực hiện thành công ca thông tim bào thai...
- Đây là ấp ủ nhiều năm qua của tôi và đồng nghiệp khi được chứng kiến chuyên gia quốc tế đâm kim qua thành bụng người mẹ, xuyên qua tử cung, qua ngực bào thai và buồng tim để thông tim. Can thiệp dị tật tim từ bào thai nghĩa là sửa từ tế bào gốc. Kỹ thuật này chỉ phát triển trong khoảng 5 năm gần đây. Các nước trong khu vực đã đạt được nhiều thành tựu y khoa như Thái Lan, Singapore... chưa triển khai được. Làm chủ kỹ thuật này, chúng ta sẽ cứu được rất nhiều trẻ.
Tất nhiên, thành công trên chỉ là bước đầu. Để mọi thứ vận hành trơn tru là một câu chuyện dài, vì việc gì cũng phải được chuẩn bị kỹ càng, rõ ràng từng li từng tí và phải tiếp tục học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện hơn nữa. Bởi, với sinh mệnh thì không thể mơ hồ.
* Trong hành trình phụng sự y khoa và trực tiếp can thiệp cho hơn 17.000 ca bệnh tim bẩm sinh, ông nhớ nhất điều gì?
- Trong quãng đời làm nghề, có nhiều thành công cũng không ít lần thất bại. Thành công thì vui, nhưng niềm vui đó chóng qua. Còn thất bại nhiều khi phải trả giá rất lớn, có khi là cả sinh mệnh bệnh nhân.
Tất nhiên, làm gì cũng khó tránh khỏi sai lầm. Nhưng tôi nhớ những lần thất bại, nhớ những cái sai mà tiếp tục học tập, trau dồi, sửa đổi để làm việc tốt hơn.
* Xin cảm ơn bác sĩ! Chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình “sửa lỗi” cho những trái tim thơ.
THẢO KHUY (Thực hiện)