Tây Sơn nắm chắc địa bàn, xử lý nghiêm nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp
Huyện Tây Sơn có 12/15 xã, thị trấn có rừng và đất lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp khoảng 40.200 ha, trong đó có hơn 34.672 ha đất có rừng.
Từ năm 2023 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, truy quét 239 đợt. Qua đó, phá hủy 34 lò than, 6 lán trại; phát hiện 1 vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 248 xã Tây Thuận và tổ chức phá bỏ cây trồng trên diện tích 6.000 m2 đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.
Ban quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các xã Tây Phú, Tây Xuân, Tây Giang, Vĩnh An, Bình Tân tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, tổ chức chốt chặn các địa điểm trọng yếu để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Qua đó, truy quét hơn 100 đợt, phá hủy 2 hầm than tại rừng; bắt giữ 2 súc gỗ, hủy 0,09 m³ gỗ các loại tại rừng và nhổ bỏ 100 cây keo con mới trồng trái phép dưới tán rừng.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: X.N
Diện tích đất có rừng của Tây Sơn không quá lớn so với một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn khá cam go. Bởi các hành vi xâm hại rừng tại các vùng rừng giáp ranh với các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhất là vùng giáp ranh với xã Song An (TX An Khê, tỉnh Gia Lai) diễn biến hết sức phức tạp. Đây là khu vực các đối tượng lâm tặc thường xuyên lén lút hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng như xảy ra vấn nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã triển khai hiệu quả phương án quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường kiểm tra, rà soát, xác định vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ rừng bị xâm hại cao để phòng ngừa. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, truy quét, chốt chặn bảo vệ rừng; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Trong đó, nhiều năm qua, hàng chục héc ta đất rừng phòng hộ của huyện (ở khu vực giáp ranh với làng Pốt, xã Song An; do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn quản lý) vẫn đang bị người dân xã Song An lấn chiếm để trồng keo. Hay như mới đây nhất, ngày 7.3, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn khi tuần tra tại khu vực Bờ Đắp, khoảnh 1, tiểu khu 250A (thuộc xã Tây Thuận) đã phát hiện một số diện tích trồng rừng bạch đàn của đơn vị bị nhổ phá, phun thuốc làm thiệt hại. Trong đó, diện tích bị thiệt hại hơn 1,5 ha. Khu vực xảy ra vụ việc nằm ở các vị trí người dân đang lấn chiếm đất lâm nghiệp được nhà nước giao quyền cho Công ty quản lý để tự ý trồng xen cây keo lai.
Theo ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn, mặc dù UBND huyện đã nhiều lần thành lập tổ công tác làm việc với địa phương bạn nhưng đến nay vấn đề thu hồi lại diện tích lâm nghiệp bị người dân xã Song An lấn chiếm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Trước mắt, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện và người ra vào rừng để kịp thời báo với các ngành chức năng ngăn chặn hành vi xâm hại đến rừng. Tập trung kiểm tra những vùng có nguy cơ xâm hại cao như: Vùng Nước Sạch, Đá Đen (Bình Tân); vùng Đá Trắng, Nước Gộp (Vĩnh An); làng Pốt, Hầm Đạn (Tây Giang); vùng tiểu khu 306 (Tây Phú)”, ông Lê cho biết.
Đối với khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai, theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tây Sơn, lực lượng chức năng đã triển khai các giải pháp không để người dân ở TX An Khê lấn chiếm thêm diện tích đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của huyện. “Mỗi tuần chúng tôi tổ chức tuần tra 2 lần với nhiều lực lượng tại khu vực này. Nếu phát hiện có dấu hiệu phát dọn, thì các lực lượng sẽ xác lập, hồ sơ, điều tra xử lý, nhổ bỏ cây trồng trái phép”, ông Ơn cho hay.
XUÂN NHÂM